Đòn trả đũa của đồng minh

(ANTĐ) - Quyết định của Liên minh châu Âu (EU) có thể hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vào tháng 5 tới đang làm lộ rõ mâu thuẫn gay gắt giữa hai trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới.

Đòn trả đũa của đồng minh

(ANTĐ) - Quyết định của Liên minh châu Âu (EU) có thể hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vào tháng 5 tới đang làm lộ rõ mâu thuẫn gay gắt giữa hai trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới.

Cạnh tranh giữa Boeing và Airbus đang làm nóng quan hệ Mỹ - EU
Cạnh tranh giữa Boeing và Airbus đang làm nóng quan hệ Mỹ - EU

Đây có thể coi là đòn trả đũa của EU trước thông báo của Nhà Trắng hôm 1-2 rằng Tổng thống Mỹ B. Obama không có kế hoạch tới Tây Ban Nha dự hội nghị thượng đỉnh với các quan chức cấp cao EU. Mặc dù Washington phân trần rằng vào thời điểm khó khăn hiện nay, ông chủ Nhà Trắng phải dành nhiều thời gian ở trong nước để giải quyết các vấn đề đối nội và chính trị, nhưng báo chí lại tiết lộ ông B. Obama vừa lên kế hoạch tới thăm Indonesia và Australia trong nửa cuối tháng 3 này.

Thông tin này đã làm EU nổi giận, nhiều quan chức EU còn nâng quan điểm rằng ông B. Obama coi tương lai của nước Mỹ ít liên quan tới châu Âu hơn so với các khu vực khác.

Thực ra, việc ông B. Obama không muốn đến Tây Ban Nha là có chủ ý. Chưa bao giờ “cuộc chiến” thương mại Mỹ - EU lại nóng như hiện nay. Đầu năm ngoái, cả châu Âu như lên cơn sốt khi Washington giương khẩu hiệu “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong kế hoạch kích thích kinh tế. Thay mặt cho EU, Thủ tướng Đức A. Merkel đã lớn tiếng chỉ trích gói cứu trợ lên tới hơn 900 tỷ USD của Mỹ và khẳng định: “Bảo hộ mậu dịch là câu trả lời sai cho việc đối phó với khủng hoảng kinh tế”.

Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì đến lượt hãng Boeing của Mỹ nộp đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cáo buộc EU viện trợ ngầm cho Airbus nhằm giúp hãng này phát triển loại máy bay thân dài Airbus A350 trong nỗ lực ngăn chiếc 787 Dreamliner của hãng Boeing giành vị thế độc tôn trên thị trường sản xuất máy bay toàn cầu. Đơn kiện của Boeing đã tạo ra một vụ tranh chấp được dư luận đánh giá là khó giải quyết nhất và lớn nhất trong lịch sử 10 năm làm trọng tài thương mại thế giới của WTO.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ và EU còn bất đồng sâu sắc xung quanh đề nghị các nước công nghiệp xem xét cắt giảm mức khí thải từ 40% xuống còn 25% vào năm 2020 để có thể ký một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Trong khi EU cho rằng các con số trên phản ánh những biện pháp mà giới khoa học cho là cần thiết để kìm hãm sự ấm lên toàn cầu, thì Mỹ lại không muốn vì lo ngại quy định hạn chế khí thải sẽ tác động đến ngành công nghiệp của nước này. Mâu thuẫn căng thẳng đến mức các nước châu Âu hôm qua đã dọa tẩy chay các cuộc thảo luận về khí hậu do Mỹ chủ xướng nếu Washington không chấp nhận có sự thay đổi.

Việc EU tuyên bố có thể hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ nếu ông B. Obama không đến dự cho thấy châu Âu quyết không chấp nhận vị trí “chiếu dưới” của mình. Châu Âu đã đánh tiếng rằng mình không thiếu con bài trong cuộc đối đầu với Mỹ. Hiện Washington đang rất cần sự hợp tác của EU trong nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, chống khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và mong muốn mang lại ổn định và an ninh cho Iraq và Afghanistan.

Chắc chắn đòn trả đũa của đồng minh sẽ buộc ông B. Obama phải suy nghĩ lại trước quyết định cuối cùng của mình. EU đâu phải là đối tác nhẹ cân.  

Hoàng Sơn