Đơn thương... chống “cát tặc”

ANTĐ - Trực tiếp và phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy bắt giữ gần 10 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng; tổ chức lực lượng ứng trực, tuần tra 24/24h tại những điểm “nóng” về khai thác cát…Đây là những biện pháp quyết liệt được các lực lượng CAH Phú Xuyên, Hà Nội triển khai trong hơn 3 tháng trở lại đây. “Cát tặc” không còn dám ngang nhiên hoành hành. Nhưng cảm giác về sự ổn định triệt để vẫn khá mong manh…

Kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện thông tin kịp thời về hiện tượng “cát tặc”

Ranh giới “ảo”, nóng thật

Sông Hồng, đoạn qua nội thành Hà Nội, những ngày được xem là triều cường này vẫn có những khúc sông xắn quần lội qua được. Cảm nhận về sự mênh mông, dữ dội của sông Hồng, lâu lắm rồi, mãi hôm trung tuần tháng 7 này, về đứng ở trạm thủy văn xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, chúng tôi mới tìm lại được. “Nhảy xuống đây bơi được chứ anh”, tôi hỏi Thiếu úy Nguyễn Tuấn Anh, chiến sỹ đội Cảnh sát Kinh tế, ma túy, môi trường CAH Phú Xuyên, người đã 3 tháng nay được giao luân phiên cắm chốt ở khu vực này để chống “cát tặc”. “Lúc đầu đến, tôi cũng có cảm giác muốn tắm giống anh. Nhưng chưa dám thử bao giờ. Anh đi cách bờ 2m, nước đã sâu hơn 10m ngay”. Chỉ tay  ra giữa dòng, Tuấn Anh quả quyết: “Dân sông nước muốn tắm cũng phải khoác cái áo phao vào, nếu không sẽ bị nước ngầm cuốn chìm ngay”.

Địa thế nước bí hiểm, hung dữ như thế, chả trách 15km sông Hồng đoạn qua 6 xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên, đếm được kha khá những tụ điểm khai thác cát trái phép. Trong số ấy, nhiều điểm tiếp giáp với 2 huyện Khoái Châu và Kim Động, thuộc tỉnh Hưng Yên. Sông lớn nên tàu khai thác cát ở đây cũng toàn “hàng khủng”, dài 40-50m, rộng gần 20m, công suất rút ruột lòng sông tới 200m3 cát/giờ. Cát dưới lòng sông bị hút lên tàu lớn, lập tức được san sang đội tàu chuyên chở túc trực gần đó, lúc nào cũng từ 15 đến 20 chiếc, mỗi tàu chở 400 – 600m3. Thượng tá Đặng Ngọc Hân – Phó trưởng CAH Phú Xuyên cho biết: “Cát tặc hoạt động chủ yếu về đêm, từ 21h đến 5h sáng hôm sau. Vào thời điểm nóng nhất, tàu cát cứ đỗ bên địa giới Hưng Yên và “thò vòi” sang đất Phú Xuyên để hút”. Từ trạm thủy văn ở xã Văn Nhân ngược về mấy xã Thụy Phú, Khai Thái, Hồng Thái, rồi tiếp đến ngã ba Phú Xuyên – Kim Động – Khoái Châu, mênh mông nước ấy luôn bị đám cát tặc săm soi, trục lợi.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Dù không hề thích thú khi phải dùng đến mấy chữ đầy tính “máy móc”, “khẩu hiệu” này, nhưng quá trình thực tế công tác chống “cát tặc” ở khu vực giáp ranh Phú Xuyên (Hà Nội) và Hưng Yên, chúng tôi ghi nhận: chỉ có biện pháp phòng ngừa, xử lý đồng bộ của huyện Phú Xuyên, của các huyện bên địa giới tỉnh Hưng Yên, và lực lượng CSGT đường thủy, mới có thể giải quyết triệt để nạn “cát tặc” ở đây, cũng như những địa phương khác.

Trong 3 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên đã cơ bản đẩy đuổi được “cát tặc”. Nói thì đơn giản vậy, nhưng công tác triển khai lại vô cùng vất vả. Gần 50 CBCS CAH, thuộc các đội CSGT, CSTT-PƯN, Cảnh sát Kinh tế, ma túy, môi trường… được tăng cường cho “trận đánh” này. Họ chia làm 3 ca, túc trực 24/24h ở những điểm nóng. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên đã đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố cho “mượn” và cử lái tàu hỗ trợ công tác ứng trực, tuần tra. Riêng trong tháng 5-2013, các tổ ứng trực của huyện Phú Xuyên đã bắt 2 tàu hút trộm cát. Cùng thời điểm này, lực lượng CSGT đường thủy bắt 5 tàu hút trộm cát, có xuất xứ từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, đang “tác nghiệp” bên địa phận Hưng Yên…

Cùng tổ công tác CAH Phú Xuyên đi dọc tuyến sông Hồng trên chiếc ca nô của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, chúng tôi không bắt gặp bóng dáng tàu hút cát nào. Cũng có thể các chủ tàu biết lực lượng công an đang làm mạnh; hoặc có thể vì đang là buổi chiều, chưa phải “giờ đẹp” của việc hút cát? Băn khoăn ấy được Thượng tá Nguyễn Hồng Thái – Trưởng CAH Phú Xuyên trao đổi thẳng thắn: “Chúng tôi cũng đang tính toán về một biện pháp – hiệu quả dài hơi đối với hiện tượng khai thác cát trên sông Hồng”. Chỉ huy CAH Phú Xuyên nhận thức rõ những khó khăn khách quan ảnh hưởng đến công tác chống “cát tặc”, như phương tiện, như con người, rồi các điểm giữ, xử lý tàu hút cát. Nhưng cái khó, sự thiếu lớn hơn là tính đồng bộ, quyết liệt trong công tác đấu tranh, đẩy đuổi, bắt giữ tàu hút cát. Nhiều thời điểm, vẫn có tàu hút trộm cát ung dung thả vòi bên đất Đại Tập, huyện Khoái Châu, mà từ vị trí trạm thủy văn ở xã Văn Nhân có thể dễ dàng trông thấy. 

“Do đặc điểm địa bàn giáp ranh, phân giới trên sông mang tính tương đối nên khi CAH Phú Xuyên triển khai các biện pháp bắt giữ, ngăn chặn quyết liệt, liên tục, thì các đối tượng không dám ngang nhiên hút cát trên sông ở địa phận thuộc huyện Phú Xuyên; mà đối phó bằng cách hút cát trái phép vào ban đêm, ở khu vực gần giữa sông Hồng thuộc địa phận xã Đại Tập, huyện Khoái Châu. Vì đặc điểm địa lý, dòng chảy trên sông Hồng nên việc hút cát trái phép của các đối tượng gây đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ an toàn khu vực kè bờ nam sông Hồng, thuộc 2 thôn Cát Bi và Đại Gia, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên…”, chúng tôi trích đăng một phần nội dung công văn đề nghị phối hợp ngăn chặn, bắt giữ, xử lý tàu hút cát trái phép của CAH Phú Xuyên gửi chính quyền 2 huyện Khoái Châu, Kim Động (Hưng Yên), thay cho kiến nghị khẩn thiết phải có sự đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm, hành động giữa các địa bàn, trong cuộc chiến chống “cát tặc”.