Dồn sức khắc phục hậu quả bão lũ lớn

ANTD.VN - Ngày 17-10, nước lũ đã cơ bản rút tại các địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh. Các địa phương đang huy động tổng lực để hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau trận lụt kinh hoàng. 

Các địa phương ở Quảng Bình dọn dẹp sau lũ

Thiệt hại nặng nề

Chiều 17-10, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ những ngày qua tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… đã làm 29 người chết. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ, giao thông đường bộ, đường sắt đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp của người dân cũng bị đình trệ. Ước tính thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ngày 17-10, nước lũ cơ bản đã rút, chỉ còn một số điểm vùng trũng. Các tỉnh đã huy động tổng lực để dọn dẹp, khắc phục sau lũ.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động hơn 2.600 cán bộ, chiến sĩ; 17 xuồng cao tốc và 27 ô tô các loại tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt; cấp 2 tấn lương thực, 2 tấn mỳ tôm, 4.000 chai nước cho nhân dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Quân khu đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 cơ động đến tỉnh Quảng Bình ứng cứu vùng bị ngập lụt; cử 2 đội vệ sinh phòng dịch về thị xã Ba Đồn giúp dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ, phòng ngừa dịch bệnh.

Tại Quảng Bình, các địa phương bị cô lập do mưa lũ trong mấy ngày qua đã thông đường, liên lạc được với bên ngoài. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bùn ngập sâu gần nửa mét khiến giao thông đi lại rất khó khăn.

Đặc biệt, nhiều trường học trên địa bàn còn ngập sâu, bùn đất bám dày khiến các em học sinh chưa thể đến lớp. Huyện Quảng Trạch đã tập trung huy động tất cả các lực lượng, phương tiện nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Còn tại huyện Lệ Thủy, do mực nước sông Gianh vẫn ở mức cao, trên báo động II nên hàng nghìn hộ dân vẫn ngập trong nước lũ. Mưa lũ đã làm 4 người chết, gần 20.000 nhà dân, 40 trường học và trạm y tế bị ngập sâu từ 1- 1,5m.

Mưa lũ cũng cuốn trôi, làm chết hơn 1.000 con gia súc, 223.000 con gia cầm trên địa bàn huyện Lệ Thủy; hàng chục km đê bao, đường giao thông, kênh thủy lợi bị hư hỏng, xói lở với khoảng hơn 700m3 đất đá. 400ha ao hồ nuôi cá bị mất trắng, nhiều tấn hạt giống và lương thực dự trữ của người dân bị ẩm ướt… Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng.

Sáng 17-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt, trao quà cứu trợ và triển khai phương án phòng chống bão số 7 tại rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại xã Phượng Mỹ đến cuối ngày vẫn còn 230/262 hộ dân bị ngập sâu và chia cắt. 

Hai bộ kiểm tra xả lũ thủy điện Hố Hô

Chiều 17-10, Bộ TN-MT đã kiểm tra đột xuất việc xả nước lũ tại thủy điện Hố Hô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tại buổi làm việc, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Hố Hô) cho biết, trong 4 ngày (từ 13 đến 16-10), thủy điện Hố Hô liên tục xả nước. Mức xả cao nhất vào 18h30 ngày 14-10 là 1.843m3/s (bằng với lưu lượng nước về).

Cũng từ thời điểm đó đến 3h ngày 15-10, cả 3 cửa van xả hết công suất, lưu lượng thấp nhất 720m3/s. Đến sáng 17-10, lưu lượng xả còn 150m3/s. Cũng theo đại diện thủy điện Hố Hô, do mưa lớn khiến đất đá từ trên sườn núi sạt trượt xuống phía bên phải nhà máy, đe dọa nhà máy và thân đập nên Công ty quyết định mở hết 3 cửa van, xả nước với lưu lượng hơn 1.800 m3/s...

Làm việc với đơn vị quản lý công trình Thủy điện Hố Hô, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đề cập một số vấn đề như: nguyên tắc nào để mở hết cửa van; việc đảm bảo an toàn công trình trước mùa lũ; chế độ thông tin, báo cáo; phương án điều hòa nguồn nước, dự báo sau quan trắc...

“Lãnh đạo nhà máy nói xả lũ đúng quy trình mà người dân vùng hạ du vẫn bị ảnh hưởng lớn là chưa được. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra các thông tin, số liệu, đi thực địa và phối hợp với ngành chức năng liên quan để có kết luận cuối cùng về vấn đề này. Ưu tiên đầu tiên khi vận hành thủy điện phải đảm bảo an toàn vùng hạ du, tiếp đến mới là phát điện” - ông Châu Trần Vĩnh nói. Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc xả lũ tại thủy điện này.

Bão Sarika đi vào Vịnh Bắc bộ

Trong khi các tỉnh miền Trung đang căng mình khắc phục hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua thì trong ngày 17-10, siêu bão Sarika có biến động mới, di chuyển mạnh về phía Tây Tây Bắc và nhiều khả năng sẽ đi vào khu vực Quảng Ninh - Nam Định.

Dự báo đến 16h ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Sau khi đi vào đảo Hải Nam, bão số 7 sẽ tiếp tục đi vào Vịnh Bắc bộ, hướng vào các tỉnh Đông Bắc nước ta. 

Đường sắt Bắc - Nam thông tuyến

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, vào lúc 15h30 chiều 17-10 khu đoạn từ Ga Ngọc Lâm đến Ga Minh Lệ (Quảng Bình-km 452 khu gian Ngọc Lâm - Lệ Sơn và km 468+300 khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ) đã được nối thông và cho tàu chạy với vận tốc 5km/h, chính thức thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Hiện, các đơn vị thi công đang khắc phục một số điểm để trả tốc độ bình thường trong thời gian sớm nhất. Tại một số điểm xung yếu đã khắc phục tạm thời, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn bố trí nhân viên dẫn đường để đảm bảo an toàn chạy tàu. 

7h sáng 17-10, tỉnh Hà Tĩnh đã mở van xả tràn hồ Kẻ Gỗ. Mực nước hồ Kẻ Gỗ tại thời điểm xả tràn ở cao trình 31,15m (tương đương dung tích 305 triệu m3), lưu lượng xả từ 200 - 300m3/s.

Nước sau tràn sẽ theo đường tiêu tràn Kẻ Gỗ, về xuôi sông Ngàn Mọ tại xã Cẩm Mỹ, sau đó chia làm 2 nhánh, một theo sông Hội về mạn Cẩm Xuyên, một theo sông Phủ về mạn TP Hà Tĩnh. Ban đầu hồ Kẻ Gỗ xả với lưu lượng 45m3/s, sau khi theo dõi khả năng tiêu úng hạ lưu, sẽ điều chỉnh lưu lượng lên 200m3/s.