Dồn sức cho ngư dân

ANTĐ - Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu nhất trí khẳng định, đã đến lúc phải dồn sức đầu tư đội tàu lớn cho ngư dân mua, thuê để có thể bám biển dài ngày. Một số đại biểu kiến nghị Quốc hội kỳ họp này ra một nghị quyết riêng cho ngư dân. Đồng thuận với tiếng nói của Quốc hội, của lòng dân, Chính phủ vừa thông qua những nguyên tắc cơ bản dự thảo Nghị định về một số chính sách đột phá với những ưu đãi đặc biệt giúp ngư dân vươn khơi. Đây không phải là chính sách đầu tiên, song trước những hành động ngày càng hung hãn, liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Đông, cần ngay sự hỗ trợ hiệu quả tiếp sức cho ngư dân dũng cảm bám biển đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sự có mặt thường xuyên của ngư dân trên vùng biển kinh tế, trên ngư trường truyền thống cả nghìn năm nay, không chỉ để kiếm sống như người nông dân trên đồng ruộng, mà quan trọng hơn còn là bằng chứng sống hùng hồn khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam. Phát biểu trong một buổi thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, ngư dân có thừa tinh thần quả cảm, tinh thần bám biển rất cao, song bà con vẫn còn đang nghèo và thiếu thốn. Thiếu vốn để hoán cải, đóng mới tàu cá; thiếu cơ sở hạ tầng như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, tàu dịch vụ hậu cần. Đặc biệt là thiếu nhiều tàu vỏ thép để vươn khơi. “Sóng gió” Biển Đông do phía Trung Quốc khuấy động với hàng loạt hành động chèn ép, xua đuổi, đâm húc, không chỉ thiệt hại tàu thuyền, ngư cụ mà còn gây thương vong, chìm tàu.

Chính trong tình thế ngặt nghèo này, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần có ngay chính sách hỗ trợ lãi suất để tiếp sức cho ngư dân đóng tàu công suất lớn bám biển dài ngày. Đây cũng chính là giải pháp thiết thực khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia. Một đại biểu “hiến kế”, ngành giao thông đã tiết kiệm được 35.000 tỷ đồng từ rà soát, điều chỉnh mức đầu tư các dự án. Nguồn tiền này nên ưu tiên hỗ trợ đầu tư đội tàu cho ngư dân. Nhà nước nên tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê, không đợi bà con có đủ tiền vay ngân hàng đóng mới. Lúc này, theo ý kiến một số chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội, cần xem lại việc phân bổ ngân sách cho các công trình đầu tư trong thời gian tới theo hướng trước mắt cần đầu tư đội tàu có mã lực cao, có tàu dịch vụ hậu cần tốt đi kèm. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội là rất cần thiết, lo cho người lao động nơi ăn chốn ở để “an cư lạc nghiệp”. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp mà hệ thống ngân hàng đang tích cực tham gia, liệu có đủ để giúp bà con ngư dân vươn khơi, bám biển vừa khai thác hải sản, góp phần không nhỏ bảo vệ chủ quyền, lại vừa phải đương đầu với lực lượng hùng hổ của Trung Quốc giữa mênh mông sóng to, gió lớn?

“Phải dốc sức cho ngư dân”, đó là tiếng nói đồng lòng, đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ cũng như cử tri và người dân cả nước. Đây không chỉ là công việc trước mắt, mà còn là chiến lược kinh tế biển lâu dài. Làm sao đảm bảo được cuộc sống vững chắc của ngư dân, những người đem tính mạng của mình ra để mưu sinh, để giữ yên bờ cõi.