Đón chào ngày mới 15-6-2010
(ANTĐ) - Dù Luật Giao thông đường bộ quy định: Lái xe không được sử dụng còi hơi trong đô thị và khu đông dân cư; ban đêm từ 22h đến 5h sáng, cấm các loại còi mà chỉ báo hiệu bằng đèn. Thế nhưng, đã có khá nhiều vụ TNGT xảy ra mà thủ phạm là... còi hơi.
Người dân phải có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông |
Sáng qua 14-6, những tham gia giao thông không khỏi thương xót khi thấy một bà mẹ trẻ gào khóc thảm thiết, lao vào ôm xác con gái mới tròn 2 tuổi vì bị xe bồn cán ngang người. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM). Nguyên nhân do, khi người mẹ chở con thì có chiếc xe bồn chạy phía sau bất ngờ bóp còi lớn làm chị giật mình và phanh gấp nên xe bị đổ. Người mẹ trẻ ngã vào lề đường nên thoát nạn, còn người con rơi ra phía ngoài và bị chính bánh xe bồn phía sau cán lên.
Theo Nghị định 34 thì việc sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000đ (đối với môtô, xe gắn máy) và 300.000-500.000đ (đối với ôtô), luật đã quy định rõ ràng về những hành vi vi phạm việc sử dụng còi trên đường phố. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm này rất khó để bị xử phạt mà cần nhất là ý thức khi tham gia giao thông của người dân. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn và ý thức về tính nghiêm trọng của những hành vi trên để bảo vệ sự yên bình cho đường phố. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn hơn dẹp loạn... còi, để những hệ lụy đáng buồn do còi hơi không còn xảy ra.
Thưa bạn đọc!
Đêm 13-6, cây si cổ thụ tại vườn hoa Diên Hồng hay còn gọi là vườn hoa con cóc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị bật gốc đổ ập xuống đường… Đây là một trong những cây si cổ thụ được đánh giá là đẹp nhất của Hà Nội, nguyên nhân cây si cổ thụ này đổ là do trận mưa kéo dài kèm theo gió lớn, đất mềm, rễ của cây (rễ chùm) ăn nông, nên cây bị bật gốc. Hà Nội đang trong mùa mưa, trong thời gian gần đây, liên tục những cây cổ thụ đổ gục trên phố. Cơ quan chức năng cần khẩn trương có những biện pháp khắc phục, nhằm hạn chế những “sự cố” đáng tiếc.
Bạn đọc thân mến!
Chưa đầy 4 tháng qua, ở Gia Lai đã có 6 người chết do ngộ độc rượu gạo. Xét nghiệm cho thấy rượu có độc tố Methanol cao gấp 840 lần mức cho phép (lượng Methanol có trong rượu là 42%, trong khi giới hạn cho phép chỉ là 0,05%). Qua kiểm tra cho thấy, vì hám lợi, một số tư thương bất chấp sức khỏe người dân pha cồn công nghiệp vào rượu gạo đưa về bán tràn lan, nhưng điều đáng lo ngại là do thiếu hiểu biết nên nhiều người lại cho rằng đó là rượu mạnh, uống vào nhanh say, nói chuyện mới rôm rả, phấn khởi.
Theo các chuyên gia y tế, Methanol thường có trong dung môi dùng lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy…, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành độc tố cực mạnh. Chỉ cần một lượng nhỏ 4ml (ít hơn một thìa cà phê) Methanol nguyên chất là đủ để gây mù. Một lượng lớn hơn 10-30 ml có thể cướp đi một sinh mạng.
Chúc bạn đọc có những lựa chọn sáng suốt!
ANTĐ