Đờn ca tài tử trở thành Di sản thế giới

ANTĐ - Vào 15h47 ngày 5-12 (theo giờ Việt Nam), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui này được công bố tại Phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan. 

Ra đời vào cuối thế kỷ 19, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình dân gian đặc trưng, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư vùng sông nước Nam bộ. Được sáng tạo trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam, Đờn ca tài tử Nam bộ được sáng tạo và “ngẫu hứng” trên nhiều loại nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, bầu, cò, sáo, tiêu, song loan, guitar phím lõm… Đờn ca tài tử được giới thiệu và bảo tồn trong nhiều tập quán xã hội khác nhau như lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công... vừa mang tính “bình dân” vừa mang tính “bác học”. 

Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đờn ca tài tử đã đáp ứng các tiêu chí của UNESCO như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế; hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức...