“Đòn bẩn” trước giờ quyết đấu

ANTĐ - Khi cuộc đua vào Nhà Trắng gần tới hồi cực điểm với cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 6-11 (7-11 theo giờ Việt Nam), danh sách các chiêu trò mà hai bên đối đầu tung ra lại dài thêm.

Cuộc đối đầu giữa Obama-Romney đang ở thế ngang ngửa

Thông thường, khi cuộc đua đã vào giai đoạn nước rút mà không bên nào chiếm ưu thế, thì các âm mưu nhằm khiến cử tri của đối phương không đi bỏ phiếu hoặc khiến họ thay đổi quan điểm bằng những lời nói dối trắng trợn có thể quyết định kết cục của cuộc bầu cử. Ông K. Jamieson, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Chính sách công Annenberg ở Đại học Pennsylvania, nhận xét: “Nếu một cuộc bầu cử có tình trạng bám đuổi rất sát, các đòn bẩn có thể được tung ra”.

Thực tế đó đang diễn ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Nếu như trong suốt năm 2011, đương kim Tổng thống B. Obama luôn dẫn trước  đối thủ M. Romney của đảng Cộng hòa với mức chênh lệch từ 2%-5%, thì sau cuộc tranh luận “ỉu như cơm nguội” của ông tối 3-10 và vụ Đại sứ Mỹ tại Libya bị sát hại, cộng với các khó khăn tiếp tục xuất hiện từ nền kinh tế Mỹ, uy tín của ông M. Romney bất ngờ vượt lên ngang ngửa với ông B. Obama.

Chính vì thế mà trong “trận chung kết” ngày 6-11, mặc dù có tới 215 triệu cử tri của 50 bang, Thủ đô Washington và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ đi bỏ phiếu, nhưng các nhà phân tích cảnh báo kết quả cuối cùng có thể phải tính bằng từng lá phiếu. Đây không phải là ngoại lệ bởi trong cuộc bầu cử năm 2000, ông Bush (con) bước vào Nhà Trắng không phải bằng chiến thắng trong bầu cử mà là “thắng kiện”. Ưu thế của ông Bush tại bang quyết định được cho là chỉ nhỉnh hơn ứng cử viên Al Gore của đảng Dân chủ vài trăm phiếu, kết quả là Tòa án tối cao phải ra tay và phán xử ông Bush tái cử vì thắng phiếu đại cử tri. 

Giờ đây, nguy cơ tái hiện kịch bản năm 2000 đã khiến các chiêu trò liên tục được hai bên tung ra nhằm giành ưu thế vào phút chót. Xem ra trong cuộc chơi này, chẳng bên nào chịu kém bên nào. Liên quan đến ứng cử viên của đảng Cộng hòa M. Romney, mới đây ông này đã bị cả phe Dân chủ và lãnh đạo các Công ty Xe hơi General Motors và Chrysler chỉ trích vì tung ra các đoạn quảng cáo đưa ra thông tin sai sự thật, cho rằng ngành công nghiệp xe hơi được ông B. Obama giải cứu giờ đang xuất khẩu việc làm ở Mỹ sang Trung Quốc. 

Bên phe của đảng Dân chủ, chiến dịch vận động của ông B. Obama cũng có những màn “sảy miệng”, khi tuyên bố ông M. Romney đang có kế hoạch đưa ra ngoài vòng pháp luật mọi hình thức phá thai, trong khi ông M. Romney đã nói rất rõ rằng ông ủng hộ việc phá thai nếu người phụ nữ mang thai là nạn nhân của một vụ hiếp dâm, loạn luân, hoặc đứa trẻ đe dọa tính mạng của bà mẹ. Các chuyên gia cảnh báo những hoạt động điển hình nhằm ngăn người ủng hộ đối thủ đi bỏ phiếu hoặc làm lung lay quyết định của cử tri sẽ được tăng tốc tới tận phút chót trước khi địa điểm bầu cử đóng cửa.

Người ta cũng lo ngại là cuộc “bôi bẩn” lẫn nhau này có thể đưa đến hệ quả là cả hai bên trong cuộc đua đều nhận được cùng số phiếu đại cử tri (269-269). Lúc đó theo quy định, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ bỏ phiếu chọn Tổng thống và Thượng viện do đảng Dân chủ nắm đa số sẽ bỏ phiếu chọn Phó Tổng thống. Như vậy ông M. Romney của đảng Cộng hòa sẽ là Tổng thống, còn Phó Tổng thống sẽ là đương kim Phó Tổng thống J. Biden của đảng Dân chủ. Chẳng biết nước Mỹ sẽ ra sao khi mà bộ đôi lãnh đạo mỗi người thuộc một đảng như vậy.