Đối tượng lừa đảo môi giới mua bán thận có thể bị tù chung thân

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự 2 đối tượng chính trong đường dây lừa đảo dưới hình thức môi giới mua bán thận với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước sự việc này, nhiều người dân đặt câu hỏi: “Liệu những đối tượng thực hiện hành vi táng tận lương tâm, lừa đảo bệnh nhân và người nhà của họ sẽ bị xử lý ra sao”?

Cũng theo Cơ quan CSĐT, với thủ đoạn đăng số điện thoại lên mạng xã hội để rao bán thận, nhằm dụ dỗ những người bệnh có nhu cầu mua thận, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 đối tượng là Trần Tuấn Anh (SN 1995), trú tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa và Trương Minh Ngọc (SN 1986), trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã lừa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều người.

“Hành vi của những đối tượng này có dấu hiệu của tội  “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân” – Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Tội danh này được quy định tại Điều 174 BLHS 2015.

Một nạn nhân đã bị mất gần 300 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo mua bán thận

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm…

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này… thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người trên 16 tuổi. Về khách thể, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương ứng.

Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ..

Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy…dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, động cơ vì vụ lợi. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi liên quan đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt, đến hậu quả từ hành vi chiếm đoạt và tính chất nghiêm trọng của hành vi chiếm đoạt trên thực tế mà người phạm tội có thể bị xử phạt ở mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc chung thân.