Đối tượng khủng bố Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh sắp hầu tòa

ANTD.VN - Sau khi bị trì hoãn vào đầu tháng 8, TAND tỉnh Bắc Ninh vừa lên kế hoạch mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với đối tượng khủng bố Chủ tịch UBND tỉnh này. 

Theo đó, dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, trú ở phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) về tội “Khủng bố”, quy định khoản 3, Điều 230a-BLHS sẽ diễn ra vào ngày 26-9 tới đây. Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) là người bào chữa cho bị cáo Phương.  

Liên quan, Trần Anh Thuận (SN 1981, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng sẽ bị tòa án xem xét về tội “Không tố giác tội phạm”, theo quy định tại Điều 314-BLHS. Ngồi ghế chủ tọa phiên xét xử là nữ Thẩm phán Nghiêm Thị Lượng – Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Bắc Ninh.

Quá trình điều tra cho thấy, Nguyễn Trọng Phương và vợ đối tượng vốn làm chủ Công ty TNHH Song Lộc (gọi tắt là Công ty Song Lộc) với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng và khai thác cát sỏi.

Trước ngày vụ án xảy ra, Phương quen biết, đồng thời từng hợp tác làm ăn với anh Ngô Thành Sơn (SN 1980) – Chủ tịch HĐQT Công ty Trục vớt luồng hạ lưu và Trần Anh Thuận – Phó giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu và vận tải Khánh Nguyên.

"Cát tặc" trên sông luôn là nỗi lo của cả người dân lẫn chính quyền

Tháng 9-2015, Công ty Song Lộc đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép được nạo vét thanh thải và tận thu sản phẩm trên sông Đuống (từ Km 03 đến Km 14), thuộc xã Cao Đức đến xã Đại Lai (huyện Gia Bình) và tại xã Đào Viên (huyện Quế Võ) nhưng không được chấp thuận vì chính quyền địa phương lo ngại việc xảy ra sạt lở bờ sông.

Cùng thời điểm, Phương thấy công ty của anh Sơn vẫn được cấp phép hoạt động trên sông Cầu, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Nhớ lại những khúc mắc trước đây với bạn, Phương liền nảy ra ý đồ nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – Nguyễn Tử Quỳnh và đồng chí Giám đốc Công an địa phương này.

Mục đích của Phương là nếu các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh lo sợ thì doanh nghiệp của đối tượng sẽ được cấp phép khai thác cát trên sông Đuống. Bằng không thì công ty của anh Sơn sẽ bị gây khó khăn vì kế “gắp lửa bỏ tay người”.

Thực hiện tội phạm, Phương bàn bạc, đồng thời chỉ đạo Trần Anh Thuận mua điện thoại mới và sim rác để nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Để tránh bị phát giác, Phương dặn dò Thuận là nhắn tin xong phải hủy bỏ ngay vật chứng. Nhằm đạt được tối đa mục đích, đối tượng còn bày cho Thuận đến gần nhà anh Sơn nhắn tin đe dọa ông Nguyễn Tử Quỳnh.

Lên kế hoạch được ít hôm, Phương hỏi lại Thuận về việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thì được anh này nói qua quýt là “đã sai đàn em làm rồi”. Tuy nhiên thực tế, Thuận không dám thực hiện kế hoạch mà chủ doanh nghiệp khai thác cát vạch ra.

Nghi ngờ Thuận chưa thực hiện tội phạm, chiều 23-1-2017, Phương tự lái ô tô đến huyện Văn Giang (Hưng Yên) và rủ người em họ đi chơi cùng. Trên đường đi, chủ doanh nghiệp bảo người em họ điều khiển ô tô chở đối tượng sang Bắc Ninh, đồng thời gọi cho vợ để cập nhật số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Đi lòng vòng chờ cơ hội, tối cùng ngày, tại một quán nước gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Phương đã dùng sim điện thoại “rác” nhắn liên tiếp 10 tin nhắn đe dọa tới số điện thoại của đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Trong hàng chục tin nhắn đe dọa vị lãnh đạo tỉnh, Phương còn nhắc tới vụ lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại ngay tại phòng làm việc trước đó để tăng thêm sức nặng. Thực hiện tội phạm xong, trên đường từ Bắc Ninh về Hà Nội, đối tượng liền vứt bỏ chiếc điện thoại vừa nhắn tin khủng bố xuống sông.

Ít hôm sau, khi dư luận xã hội không ngừng ồn ào về vụ việc đương kim Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, ngày 16-3-2017, Phương nhắn tin khoe khoang “chiến tích” với Thuận. Thế nên chỉ sau đúng 2 ngày kế tiếp, đối tượng khủng bố lãnh đạo tỉnh đã nằm gọn trong tầm ngắm của lực lượng công an.

Sau đó, ngày 31-3-2017, Nguyễn Trọng Phương chính thức bị cơ quan công an bắt giữ. Căn cứ vào BLHS có thể thấy, nếu bị TAND tỉnh Bắc Ninh quy kết về tội “Khủng bố”, theo Điều 230a thì mức án mà chủ doanh nghiệp khai thác cát có thể bị áp dụng lên đến bảy năm tù.