Đối tượng F0 nào sẽ được điều trị tại nhà, cách làm thế nào và có an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế thì có thể điều trị được bệnh nhân COVID-19 tại nhà, song mô hình này phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ...
Theo Bộ Y tế, 80% bệnh nhân Covid-19 có thể điều trị tại cộng đồng, cơ sở dã chiến không phải bệnh viện

Theo Bộ Y tế, 80% bệnh nhân Covid-19 có thể điều trị tại cộng đồng, cơ sở dã chiến không phải bệnh viện

Như ANTĐ đã đưa tin vào hôm qua, 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ này sẽ sớm triển khai thí điểm việc điều trị F0 tại nhà ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

Vậy các đối tượng F0 như thế nào sẽ được điều trị tại nhà?, liệu có đảm bảo an toàn?..., đó là các câu hỏi được đặt ra.

Trả lời báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng thời gian qua cho thấy khoảng 80% ca mắc là người không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình.

Hiện tại việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đang được phân 3 tuyến: nặng điều trị ở tuyến trung ương, trung bình ở bệnh viện tỉnh và nhẹ ở bệnh viện huyện.

Từ mô hình này cũng như kinh nghiệm trong điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược điều trị mới, cụ thể và bổ sung cho chiến lược hiện nay.

Thứ nhất, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để tiếp đón bệnh nhân khi dịch lan rộng.

Thứ hai, mô hình điều trị tại cộng đồng. Khoảng 80% người bệnh có thể điều trị tại nhà, cơ sở dã chiến không phải là bệnh viện.

Thứ 3, tầng điều trị thứ 3 dành cho bệnh nhân nặng, nơi đây sẽ cần thầy thuốc giỏi, máy móc tốt.

Cùng với phân tầng điều trị, để trán quá tải do hiện nay số lượng ca bệnh tăng cao, Bộ Y tế nhận thấy cần có sự thay đổi về chiến lược điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và đảm bảo tất cả người bệnh được tiếp cận y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế, mô hình về triệu chứng bệnh học, các chuyên gia nhận thấy có thể điều trị được tại nhà, tại gia đình.

Để triển khai điều trị tại nhà, đòi hỏi đầu tiên là mỗi gia đình có người bệnh cần trở thành "home care” (phòng y tế) ở đó.

Đồng thời, cũng giống mô hình chăm sóc, theo dõi, cách ly F1, F2 tại nhà đã triển khai, mô hình điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo không lây nhiễm chéo cho người trong gia đình, không lây ra ngoài cộng đồng.

Ông Khuê cho biết, hiện Bộ đang xây dựng hướng dẫn thật kỹ như: bệnh nhân khi ở nhà thì chăm sóc sức khỏe, cách ly như thế nào; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu...

Bên cạnh đó, ngành y tế phải tăng cường tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như qua điện thoại, zoom, zalo, viber… Trong thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ tại địa phương và các khu vực, cộng thêm mạng lưới bác sĩ tình nguyện hỗ trợ tư vấn.

Ông Khuê cũng cho biết, vấn đề đặc biệt quan trọng là việc sử dụng thuốc tại gia đình. Hiện Bộ có chiến lược là cấp những "túi thuốc an sinh" cho các gia đình, cũng như tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình, cộng đồng...

Quan trọng hơn, theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, mô hình điều trị F0 tại nhà phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện.

"Có những gia đình chỉ có mấy chục mét để sống thì việc có chỗ cho người bệnh sinh hoạt riêng là rất khó. Chúng ta phải tính đến tất cả những điều đó khi xây dựng hướng dẫn để làm sao mô hình đi vào thực tiễn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng thí điểm tại TP HCM và một số tỉnh thành có số mắc tăng cao"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.