- Vụ ghép ảnh ‘nóng’ để đòi nợ: Có thể xử lý thêm về tội Làm nhục người khác?
- Từ vụ công ty tài chính ghép ảnh 'nóng' con nợ: Cần phải làm gì khi bị vu khống trên mạng?
Theo Bộ Công an, các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video nhạy cảm nhằm mục đích tống tiền thường nhắm đến nạn nhân là người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội.
Chúng thường thuê những cá nhân có am hiểu nhất định về nhiếp ảnh, có kỹ thuật chỉnh sửa, cắt dán, dựng hình ảnh để chế ảnh ‘nóng” của một số cá nhân khác rồi sử dụng hình ảnh, clip đó để tống tiền. Cá nhân được thuê chế ảnh có thể biết hoặc không biết mục đích của các đối tượng này.
Về trách nhiệm pháp lý của cá nhân được thuê ‘chế’ ảnh nhạy cảm, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc người khác tự ý sử dụng hình ảnh mà không được sự đồng ý của chủ thể là vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp:
Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, khi phát hiện việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định của pháp luật thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định.
Từ quy định trên có thể thấy, hành vi chế ảnh ‘nóng’, ảnh nhạy cảm là hành vi vi phạm pháp luật về quyền đối với hình ảnh của cá nhân do điều này không được sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh. Ngay cả khi người ‘chế’ hình ảnh, clip không biết rõ mục đích sử dụng những hình ảnh này, song trên thực tế, nó có thể làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, thậm chí là thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tinh thần của chủ thể.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người được thuê chế ảnh “nóng” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm có thể phải bị thu hồi, tiêu huỷ đối với hình ảnh đã chế, đã chỉnh sửa và bồi thường thiệt hại cho cá nhân có hình ảnh - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Về phạt hành chính, theo khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người sửa chữa, cắt ghép ảnh chụp làm sai lệch nội dung nhằm xâm phạm danh dự và nhân phẩm cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Nếu người bị chế hình ảnh là vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa thì mức xử phạt là 40-50 triệu đồng.
Trường hợp chế ảnh nhằm bôi nhọ, hạ nhục người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội ‘Làm nhục người khác’ tại Điều 155 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù.