Đối tượng buôn người có nhiều mánh khoé để dụ dỗ, lừa đảo người lao động

ANTD.VN -Liên quan đến vụ 39 người chết trong container tại Anh, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, nhiều năm qua có không ít người Việt đã tìm cách đổi đời bằng đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức, bất chấp những rủi ro.

Về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, ở quê nhà, nhiều người lao động có cuộc sống rất chật vật, khó khăn khiến họ tin rằng ra đi là con đường tốt nhất. Bên cạnh đó, họ có thể là nạn nhân của những đường dây lừa đảo buôn người. Trong khi đó, đối tượng buôn người có nhiều mánh khoé để dụ dỗ lừa đảo khiến nhiều người bị rơi vào bẫy và mắc kẹt với kết thúc rất cay đắng.

Ngoài ra, do một số người thiếu thông tin, họ không tự tìm hiểu để đưa ra quyết định mà chỉ nghe những thông tin từ người này người khác bất chấp rủi ro.

Dưới góc độ xã hội, những người ra đi theo con đường như vậy đều rơi vào những vùng quê nghèo, gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ do thiếu kinh nghiệm đã không xem xét thận trọng khi quyết định. Họ chỉ nhìn thấy cuộc sống màu hồng nơi xứ người từ trên mạng, do những đối tượng lừa đảo vẽ ra. Phụ huynh của họ vì thương con mong muốn con có tương lai tốt hơn nên dồn tiền cho con đi ra nước ngoài với hi vọng đổi đời nhưng không ngờ lại có những kết cục bị thảm.

Chiếc xe container chở 39 thi thể tại Anh

Để ngăn chặn tình trạng này, theo Tiến sỹ  Thu Hồng, về lâu dài, cần có chính sách phát triển kinh tế, tạo cơ hội về sinh kế, việc làm thu hút thanh niên.

Ngoài ra, cần cung cấp thông tin minh bạch rõ ràng về những cơ hội được đi lao động ở nước ngoài một cách chính thống để người lao động có điều kiện lựa chọn, cân nhắc. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về những rủi ro từ việc LĐXK bất hợp pháp.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực - Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTBXH và các bộ ngành liên quan thực hiện tốt việc đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi LĐXK ở nước ngoài, thu được nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống người dân, tạo ra được đội ngũ lao động lành nghề.

Tuy vậy, hiện có không ít người lợi dụng kẽ hở của chính sách để buôn người, xuất khẩu lao động trái phép. Vụ 39 người chết trong container ở Anh xảy ra mới đây cho thấy, ở góc độ chính quyền địa phương, trên cơ sở các quy định của pháp luật phải thực hiện công tác quản lý như nắm bắt số liệu các gia đình có con đi xuất khẩu lao động nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh khuyến cáo, tuyên truyền, công khai danh sách các doanh nghiệp được phép đưa người đi xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, các địa phương nên thông báo cho người dân những tổ chức được phép đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, cơ quan chủ quản phải tích cực quản lý những doanh nghiệp về địa phương để đưa người đi XKLĐ. Mặt khác, cần khuyến cáo đối với các gia đình có con em trong độ tuổi lao động nên thận trọng trước các thông tin về tuyển dụng, việc làm trên mạng.

"Các cơ quan hữu quan cần công khai, tuyên truyền, tổ chức tốt hơn nữa trong việc đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhằm ngăn chặn những tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia" - Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa nói.