Tiến sỹ Đoàn Hương:

“Đời tôi triền miên những chuyến đi”

ANTĐ - Không chỉ “mê hoặc” người nghe bởi chất giọng rất đặc biệt, Tiến sỹ Khoa học ngữ văn Đoàn Hương còn hút người đối diện bằng những câu chuyện hấp dẫn. Lâu lâu không thấy Đoàn Hương xuất hiện trên truyền hình, nhiều người thắc mắc: “Không hiểu chị đi đâu”. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện chị xung quanh những điều thú vị trong cuộc sống.   

- PV: Chị có thể đưa ra một định nghĩa tương đối về người đẹp?

- TS. Đoàn Hương: Một câu hỏi cực khó đấy. Thôi đành lấy quan niệm của Hy Lạp để trả lời vậy: Người đẹp là một tâm hồn đẹp trong một thể xác đẹp.

- Là một người thường xuyên có các buổi nói chuyện về chủ đề phụ nữ, chị thấy người phụ nữ Việt Nam hiện đại thế nào?

- Thứ nhất về hình thức họ đẹp hơn người xưa rất nhiều. Rồi người phụ nữ hôm nay lại có học, thông minh. Đó là chưa kể có nhiều người còn cực kỳ giỏi giang giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Đàn ông Việt Nam hiện nay có vẻ đang lúng túng trước sự phát triển này của phụ nữ, mà không chỉ đàn ông Việt Nam mà đàn ông châu Á nói chung như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Họ chưa thay được hình tượng người phụ nữ xưa hiền thục, dịu dàng và nghe theo chồng như một nô lệ (theo tư tưởng phong kiến) thành người phụ nữ hiện đại giỏi giang tự chủ, tự lập trong cuộc sống có thể còn hơn cả họ.

 - Chị có đồng tình với quan điểm: Người phụ nữ không cần phụ thuộc vào bất kỳ người đàn ông nào miễn sao họ cảm thấy tự do, hạnh phúc?

- Theo tôi, phụ nữ hạnh phúc nhất là được làm phụ nữ. Sung sướng thay khi có một bờ vai mạnh mẽ của người đàn ông để có thể nương tựa vào mà nói như nhà thơ Hồng Ngát là về nhà chỉ nhìn thấy cái lưng của anh đã thấy sướng rồi. Nhưng cũng phải nói rằng khó khăn thay để có một bờ vai như vậy.

- Vào dịp 8-3 hay 20-10, chị thường tận hưởng theo những cách như thế nào?

- Thế hệ tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước có chiến tranh vì thế sự hy sinh cho người khác là một điều bình thường. Với tôi được đi nói chuyện với chị em, chia sẻ cuộc sống với họ là một điều hạnh phúc. Bù lại nếu mỗi chị em chỉ có một buổi lễ thì tôi có nhiều buổi lễ. Nếu mỗi chị em chỉ có một bó hoa thì tôi có rất nhiều bó hoa. Tôi quan niệm hạnh phúc là sự sẻ chia và làm cho mọi người hạnh phúc.

- Một tiến sỹ khoa học ngữ văn khi trở về nhà có trầm lặng và khác biệt nhiều khi đứng trên bục giảng và đám đông?

- Tôi là một người rất chán khi ở nhà. Vì thế tôi thương tất cả những ai phải chung sống với tôi. Về đến nhà là tôi úp mặt vào sách và máy tính. Tôi được nhận xét là người dễ tính vì cho ăn gì cũng được, bảo gì cũng nghe và thường lấy tiếng cười thay cho lời nói. Tôi chán đến nỗi mẹ tôi cũng chán tôi, dù rất yêu tôi và tôi cũng rất yêu mẹ. Mẹ tôi thường than thở rằng: “Sao nghe nói con ở ngoài nói chuyện rất hay mà sao về nhà chẳng thấy con  nói gì cả”. Vì thế các bạn phải cẩn thận những người có vẻ ngoài hấp dẫn nhé. Họ có thể là những người rất chán khi chung sống (cười).

- Với dáng vẻ hơi bụi và mạnh mẽ, đặc biệt mái tóc ngắn, chị chẳng thể lẫn được vào ai. Đó là một phong cách do chị chủ ý tạo ra?

- Tôi là một người lao động bình thường chẳng phải nhân vật quan trọng gì cả nên tôi không hề chú ý đến cái gọi là phong cách. Tôi cứ sống như những người bình thường lương thiện, những công dân tốt trong xã hội, thế thôi. Còn cái bạn gọi là phong cách cá nhân hơi bụi chắc đó là do công việc. Tôi phải đi nhiều và làm nhiều việc nên hình thức buộc phải gọn gàng tối đa. Bạn thử tưởng tượng đời tôi là những chuyến đi, mà đó là những chuyến đi làm việc, những chuyến đi không bình thường, đi giảng dạy và nghiên cứu trong nước và ngoài nước như khảo cứu Tây Tạng, mái nhà thế giới nơi mà ôxy chỉ có 61% và còn thấp hơn. Tôi thường nói đùa rằng ai đến đó mới biết mình có đầu vì đầu nặng trĩu như có hai chiếc và mắt lồi ra thì đố ai có thể điệu đàng (cười). Đó là chưa kể những chuyến đi liên tục xuyên qua các quốc gia chỉ được ngủ ngồi trên ghế các sân bay với cái bụng đói meo, ngày này qua ngày khác để đợi nối chuyến bay. Với cuộc sống ấy, tôi không mặc kiểu Robinson là may và không bụi mới là lạ.

- Công việc của một nhà nữ khoa học vất vả như vậy, đã bao giờ chị có ý định từ bỏ?

- Làm khoa học là một nghề đặc biệt vì nó giống như một cái nghiệp. Nói như Nguyễn Bính, một thi sĩ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam thì nghề làm thơ của ông là “giời đày làm thơ”. Đây là loại nghề giời đày. Mà đã là nghiệp thì không thể bỏ được. Mà đã làm những nghề này phải có đam mê và hy sinh. Mà có đam mê thì mọi vất vả đều là hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình ra đời. Cũng như khi yêu có ai than là vất vả đâu mà sự thật là rất vất vả đấy chứ? (cười).

- Xin cảm ơn chị!