Đổi tiền lẻ, tiền mới: Không khó, nhưng phải chịu giá cao

ANTĐ - Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để mừng tuổi, đi lễ lại tăng mạnh. Trong khi các ngân hàng không đáp ứng được thì ngoài thị trường dịch vụ này lại khá sôi động.

Đổi tiền mệnh giá 200 đồng khách hàng phải chịu mức phí cao nhất

Mệnh giá càng thấp “phí” đổi càng cao

Dạo một vòng quanh các điểm “nóng” như phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay tại một số điểm gần các chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Hà… có thể thấy phần nào sự nhộn nhịp của dịch vụ đổi tiền. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ chỉ cung cấp một lượng nhỏ tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới phục vụ nhu cầu của người dân, nhưng những người “buôn tiền” lại có thể mạnh dạn khẳng định muốn đổi bao nhiêu cũng có.

Chị Đỗ Thu Hương (phường Khương Trung - Thanh Xuân) than thở: “Tuần trước mẹ tôi ở quê gọi điện ra bảo đổi cho bà ít tiền mới để chuẩn bị mừng tuổi trẻ con dịp Tết và một ít tiền lẻ để cụ đi chùa. Vào ngân hàng hỏi thì giao dịch viên cho biết trong kho không có loại tiền mệnh giá nhỏ nên không đổi được. Còn ra các điểm đổi tiền gần các chùa hay phố Đinh Lễ thì mức giá lại quá cao. Đổi 100.000 đồng loại mệnh giá 200 đồng mà mất những 300.000 đồng, loại 500 đồng thì phải mất 200.000 đồng để được 100.000 đồng…”. 

“Khảo sát qua vài điểm tôi thấy mức giá mà những người đổi tiền đưa ra tuy có khác nhau đôi chút nhưng vẫn khá cao. Thôi thì cũng đành chấp nhận mức giá “thị trường” vậy, tham khảo mãi cũng không giải quyết được vấn đề gì”, chị Hương chia sẻ. 

Khi được hỏi vì sao tiền 200 đồng lại có mức giá đổi cao chót vót, anh Tuấn - một người chuyên cung cấp các loại tiền lẻ, tiền mới cho biết: “Tiền mệnh giá nhỏ hiện nay rất khan hiếm, ngân hàng không phát hành nhiều nên muốn đổi thì phải chấp nhận giá cao. Khách hàng đổi từ 2 triệu trở lên thì mức phí đã là 55% rồi, còn nếu đổi ít hơn thì mức phí cũng sẽ cao hơn”. 

Mặc dù nói tiền mệnh giá thấp khan hiếm nhưng khi hỏi nếu đổi với số lượng lớn thì có đáp ứng được không, anh Tuấn vẫn buông một câu chắc nịch: “Em muốn đổi bao nhiêu anh cũng đáp ứng”.

Không chỉ sôi động tại các điểm đổi tiền có tiếng như đã nói ở trên, dịch vụ này còn tràn cả lên mạng. Chỉ cần gõ “đổi tiền lẻ” vào mục tìm kiếm là có thể thấy hàng loạt kết quả trên các trang web rao vặt nhận đổi tiền lẻ, tiền mới hiện ra. Thậm chí có cả trang web thiết kế khá chuyên nghiệp với báo giá và giới thiệu về dịch vụ đổi tiền phân loại theo cả năm sinh rồi series đẹp. 

Bên cạnh tiền đồng, dịch vụ đổi tiền 2 USD để mừng tuổi dịp Tết cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Mức giá mà người cung cấp đưa ra cũng khá đa dạng, tùy thuộc vào năm phát hành cũng như số series trên tờ tiền. Loại tiền 2 USD in năm 1917 được giao với giá 2 triệu đồng mỗi tờ và khách hàng phải lấy trên 5 tờ. Còn tiền 2 USD mới với số lượng trên 100 tờ thì mức phí là 50.000 đồng mỗi tờ.

Không cung nhiều tiền mới

Theo NHNN, cơ quan này đã có chỉ đạo về việc điều chuyển tiền mặt phục vụ Tết Nguyên đán. Trên cơ sở cơ cấu mệnh giá tiền trong lưu thông, NHNN đưa tiền ra lưu thông với cơ cấu hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên, NHNN cũng khẳng định sẽ cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông không phân biệt tiền cũ, tiền mới.

Đối với nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ phục vụ cho Tết, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, NHNN nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, NHNN đảm bảo tiền mặt đáp ứng nhu cầu chi trả, nhu cầu thanh toán thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, do tập quán và thói quen sử dụng tiền mới để mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán của người dân, NHNN đã quan tâm và đưa ra một lượng tiền mới nhất định. Việc cung ứng tiền mới cho các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố dựa trên cơ sở doanh số thu - chi tiền mặt của từng chi nhánh”.

Đại diện NHNN cũng cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, việc sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ đền, chùa nhất là các tỉnh phía bắc khá phổ biến. Sau Tết, lượng tiền mệnh giá nhỏ nộp vào ngân hàng rất lớn, cần phải huy động lượng lớn cán bộ, nhân viên kiểm đếm, làm lãng phí nhiều thời gian và chi phí. Mặt khác, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để đi chùa tràn lan, tạo ra những hình ảnh không đẹp, ví dụ như ở những nơi đông người, tiền bị rơi vương vãi, bị dẫm chân lên rất phản cảm.

NHNN đã làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị quan tâm, phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đi lễ chùa, góp phần sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả, tiết kiệm.