Đối thoại Shangri-La khai màn trong bối cảnh nhiều vấn đề nóng bỏng

ANTD.VN - Mặc dù bàn thảo khá nhiều vấn đề khác nhau nhưng tranh chấp Biển Đông sẽ vẫn là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La 2017, khai mạc tối 2-6 tại Singapore.

Đối thoại Shangri-La khai màn trong bối cảnh nhiều vấn đề nóng bỏng ảnh 1Biển Đông là một trong những chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2017

Ra đời năm 2002 theo sáng kiến của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ ở tại London (Anh), tuy không phải là diễn đàn an ninh chính thức song Đối thoại Shangri-La lại trở thành hội nghị thượng đỉnh về an ninh quan trọng nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây chính là nơi giúp tạo ra các kênh chia sẻ thông tin một cách hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách quốc phòng và an ninh, cũng như với giới chuyên gia và học giả trong khu vực.

Có lẽ chính vì thế mà cũng như các năm trước đây, thành phần đến Shangri-La 2017 lần này khá đông đảo với hơn 50 đoàn cấp cao từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Người ta gặp ở đây nhiều khuôn mặt như Thủ tướng Australia M. Turnbull, người là diễn giả phát biểu khai mạc dẫn đề Đối thoại Shangri-La năm nay, các Bộ trưởng Quốc phòng đến từ Mỹ, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines...

Các chủ đề đối thoại cũng rất phong phú. Diễn ra trong 3 ngày với 6 phiên thảo luận, Đối thoại Shangri-La 2017 sẽ thảo luận các chủ đề: Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định, Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương, Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng, Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực, Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.

Nhưng chắc chắn là không có vấn đề nào thu hút sự chú ý tại Đối thoại Shangri-La hơn là vấn đề tranh chấp Biển Đông. Vấn đề chỉ còn là độ nóng của chủ đề này năm nay khác thế nào so với các năm trước đây. Việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó vẫn là điều mà dư luận khu vực đặc biệt lo ngại.

Dư luận cũng sẽ rất quan tâm đến thái độ của Trung Quốc sau khi nước này tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCI) trong vụ kiện của Philippines với các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhớ lại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, trưởng đoàn Trung Quốc là  Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Trung Quốc, đã phải hứng chịu khá nhiều chỉ trích từ các nước sau khi ngang nhiên đưa ra những quan điểm phi lý về tranh chấp Biển Đông. Do bị hỏi quá nhiều nên ông Tôn Kiến Quốc được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian “mỉa mai” là “ngôi sao” của diễn đàn. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó Carter thì cảnh báo Trung Quốc đang “tự xây Trường thành cô lập mình” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Năm nay, dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Sangri-La 2017 là trung tướng Hà Lôi, Viện phó Viện khoa học quân sự. Ông Hà Lôi dự kiến sẽ không phát biểu trong các phiên toàn thể. Tuy nhiên, chắc chắn ông sẽ nhận được sự quan tâm của báo chí xung quanh quan điểm của Trung Quốc với các tranh chấp trên Biển Đông, nhất là sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCI).

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, dư luận còn đặc biệt quan tâm đến thái độ của Mỹ sau những thông tin rằng Washington đang giảm dần sự hiện diện ở khu vực kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

Tuy nhiên, việc tàu khu trục USS Dewey thuộc đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson của Mỹ hôm 24-5 lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump thực hiện sứ mệnh tuần tra “tự do hàng hải” đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng trên Biển Đông là động thái cho thấy Mỹ tiếp tục thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Chủ đề Biển Đông chắc sẽ còn được nhắc nhiều trong các ngày tiếp theo của Đối thoại Shangri-La 2017.