Đối thoại chính quyền - doanh nghiệp: Hiệu quả ít, hình thức nhiều

ANTĐ - Đối thoại chính quyền - doanh nghiệp là kênh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc đối thoại cấp tỉnh hiện nay còn mang tính hình thức.

Cải thiện môi trường đầu tư, giảm bớt các thủ tục hành chính là mong muốn của đa số doanh nghiệp

(Trong ảnh: nộp thuế tại điểm thu ngân sách huyện Từ Liêm)

Doanh nghiệp thiếu niềm tin vào đối thoại

Theo báo cáo “Thực tiễn tốt trong đối thoại công - tư tại cấp tỉnh ở Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, chỉ có 12,61% trong tổng số gần 8.200 doanh nghiệp được hỏi đã từng tham gia góp ý kiến về các quy định, chính sách của nhà nước. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp góp ý trực tiếp cho các cơ quan Nhà nước có liên quan và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này thể hiện tâm lý e ngại của doanh nghiệp khi gửi kiến nghị tới chính quyền.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết, đối thoại chính quyền - doanh nghiệp là hoạt động tương đối phổ biến trong những năm gần đây tại nhiều địa phương, thường là nhân dịp đầu năm hay Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, không ít cuộc còn mang tính độc thoại, không chuẩn bị trước về chủ đề nên doanh nghiệp không chủ động được câu hỏi, chính quyền cũng không giải đáp được thắc mắc. Không những thế, những nội dung đối thoại phần lớn chưa được theo dõi, đánh giá, nhiều tồn tại không được khắc phục. “Nhiều sở, ngành thực hiện đối thoại bằng cách lựa chọn một số ít doanh nghiệp, trong đó toàn là các doanh nghiệp thân thiết, thành công. Nhiều doanh nghiệp không hài lòng về chính sách lại không được tham dự. Đối thoại như vậy chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh của chính quyền”- ông Tuấn nói. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương đứng đầu cả nước như Hà Nội là việc không dễ. Hà Nội đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Thực tế đối thoại làm nảy sinh 2 vấn đề. Một là nhiều vướng mắc của doanh nghiệp thuộc cơ chế, chính sách, thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương. “Với trường hợp này, nếu chính quyền đáp lại bằng sự ghi nhận với doanh nghiệp lần thứ nhất thì doanh nghiệp gật đầu, ghi nhận lần thứ 2 thì doanh nghiệp không gật đầu, lần thứ ba thì doanh nghiệp không chia sẻ nữa vì không giải quyết được vấn đề” - ông Quyền nói. Hai là với mỗi dự án, Hà Nội có số lượng doanh nghiệp tham gia lớn. Doanh nghiệp nào cũng muốn gặp trực tiếp lãnh đạo, trong khi lãnh đạo rất bận nên dự án phải kéo dài. “Nhiều doanh nghiệp tìm đủ mọi cách, mọi quan hệ để gặp lãnh đạo, không gặp được ngày thì gặp tối khiến chính doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh chậm được cải thiện” - ông Quyền chia sẻ. Đây là áp lực rất lớn  đối với chính quyền trong việc giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp.

Cộng tác, cởi mở, gần gũi và chia sẻ

Đó là tiêu chí đánh giá một cuộc đối thoại hiệu quả. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Nếu lãnh đạo địa phương không đủ 4 từ ấy khi tổ chức đối thoại thì doanh nghiệp không thể “cởi” tấm lòng. Bên cạnh đó, vướng mắc doanh nghiệp kiến nghị thì chính quyền phải giải quyết dần và giải quyết được. Hiệp hội Doanh nghiệp cũng phải nắm bắt được tâm tư của doanh nghiệp chứ không thể chờn vờn trên mây”.

Kinh nghiệm thực tiễn cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Bắc Ninh cho thấy, cần quy trình trách nhiệm cho người đứng đầu về giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phương Bắc - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Bắc Ninh cho biết: “Không phải đối thoại sôi nổi, gay cấn đã là tốt, mà phải định kỳ, thân thiện”.

Các chuyên gia nghiên cứu về môi trường kinh doanh cho rằng, hiệu quả đối thoại có hay không phụ thuộc vào ý chí của cán bộ lãnh đạo. Nếu cán bộ lãnh đạo thực tâm muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì họ tự biết tổ chức đối thoại. Sự thực tâm của chính quyền tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia quá trình này một cách thẳng thắn. Ngoài ra, chính quyền cần giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp được ít nhất 20-30%/năm.

Ông Vũ Xuân Tiền - chuyên gia nghiên cứu môi trường kinh doanh nêu một thực tế, tỉnh nào thực hiện hiệu quả tốt đối thoại với doanh nghiệp, tỉnh đó sẽ có ít khiếu nại, tố cáo, kinh tế ổn định hơn. Ngược lại, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp không dám nói thẳng, nói thật vì sợ bị trù dập. Các chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định, doanh nghiệp có nhu cầu đối thoại rất lớn. Nếu muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, nhất định phải thấu hiểu và giải quyết các khó khăn giúp doanh nghiệp.