Đổi thay trên “đảo hủi”

ANTĐ - Nhắc đến “đảo hủi” ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nhiều người vẫn không quên được hình ảnh người bị bệnh phong phải ra sống ở một hòn đảo nằm chơ vơ, cô quạnh giữa lòng hồ Thác Bà. Ở đó, dân làng phải vật lộn với những đau đớn cùng cực khi bị hủi ăn dần cơ thể. Nhưng nay dân “đảo hủi” đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Vợ chồng ông Vinh, bà Chu sống hạnh phúc bên ngôi làng vốn một thời bị miệt thị và cô lập

Ám ảnh phận người

Lòng hồ Thác Bà vốn chứa nhiều bí ẩn và cả những đau thương của quá khứ. Ký ức khủng khiếp về căn bệnh phong cùi (bệnh hủi) dù đã lùi vào quá khứ mấy chục năm nay, nhưng khi nghe chúng tôi khơi lại chuyện cũ, ánh mắt của ông Nguyễn Văn Vinh, cư dân “đảo hủi” năm xưa lại có gì đó lạ thường, sự tủi hờn, giận dữ xen lẫn tự hào trào dâng trên khóe mắt. 

Ông Vinh nghẹn ngào: “Năm 1972 chúng tôi bị đưa ra một hòn đảo mà sau này người đời gọi với cái tên miệt thị - “đảo hủi”. Thời đó, rất nhiều người bị bệnh phong phải ra ngoài đảo này sinh sống và chống đỡ lại căn bệnh quái ác. Có người bị hủi ăn khuyết tay, chân... và đục khoét cơ thể cho đến khi chết một cách đau đớn. Chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt tủi hờn vì số phận nghiệt ngã để tiễn đưa người chết về chốn vĩnh hằng”.

Theo ông Vinh thì hồi đó dân “đảo hủi” bị miệt thị ghê gớm đến mức những cư dân trên đảo “sống không được, chết chẳng xong”. Người dân “đảo hủi” làm ra hàng chục tấn ngô, lúa và nuôi được rất nhiều ngan, vịt, nhưng những thứ đó không thể bán ra ngoài vì đường vận chuyển xa xôi cách trở, người dân quanh huyện Yên Bình biết lúa gạo của dân “đảo hủi” thì tuyệt đối không mua. Sản phẩm làm ra không bán được, người dân trên đảo không có tiền mà mua muối ăn... Thấy dân “đảo hủi” khốn khổ, cùng cực, có người thương hại đem cho muối ăn mà không lấy tiền, cũng không lấy bất kỳ sản phẩm nào như lúa gạo, vịt, ngan từ tay người đảo hủi vì sợ ăn những thứ đó sẽ bị lây bệnh.

Ông Vinh kể lại: “Ngày đó, mỗi vụ lúa nhà tôi thu hoạch được 4 - 5 tấn, khi nào bí tiền thì phải xay lúa thành gạo rồi phải đi thật xa, càng ít người biết đến gạo “đảo hủi” càng tốt, bán gạo được rồi thì mua muối về chia nhau ăn dần. Có những lần chúng tôi đem gạo ra chợ huyện bán, không biết ai mách rằng đó là gạo ở “đảo hủi”, từ đó không ai còn mua gạo của chúng tôi nữa. Cả chục tấn lúa, gạo ở ngoài đảo ăn không hết chúng tôi đem nuôi ngan, vịt. Thời điểm cao nhất riêng gia đình tôi đã nuôi tới 400 - 500 con vịt. Nhưng rồi lúa gạo thừa vịt ăn cũng không xuể, tự tay tôi đem đổ xuống hồ Thác Bà cho cá ăn. Hàng ngàn con vịt ở “đảo hủi” đem ra chợ bán cũng chẳng ai mua, chúng tôi phải ngày hai bữa ăn thịt vịt đến chán chê”.

Đau đớn trước sự kỳ thị, xa lánh, hắt hủi của người đời, cư dân “đảo hủi” còn phải chống đỡ với những cơn đau nhức đến tận xương, tủy. Bà Lý Thị Chu, một cư dân trên đảo cho biết: “Có những người bị hủi ăn đến thối cả thịt, có người bị nhiễm trùng hoại tử cả bàn chân. Hồi đó đến nhà nào trên đảo cũng nồng nặc mùi tanh. Cái mùi ngai ngái đó mỗi khi nghĩ đến lại thấy rùng mình khiếp sợ”.

Rồi những điều khủng khiếp và nỗi ám ảnh của bệnh tật cũng dần qua đi khi Nhà nước có chính sách đưa tất cả cư dân ở trên đảo đi chữa bệnh.

Dù lên bờ nhưng họ vẫn trung thành với nghề sông nước

Dân “đảo hủi” lên bờ

Nhớ lại thời điểm cách đây gần 30 năm, ông Vinh bảo: “Lúc chúng tôi nghe tin được đưa đi chữa bệnh ở Thái Bình, Nghệ An ai nấy đều vui lắm. Chúng tôi chữa bệnh ở Nghệ An mất gần 10 năm ròng rã. Tại đây, tôi đã tìm được người vợ yêu quí của mình, đó là bà Lý Thị Chu. Hồi đó chúng tôi ở hai dãy nhà đối diện nhau, ra cửa là đụng mặt nhau, lâu dần thành quen, tôi và bà ấy chăm sóc cho nhau. Chúng tôi tổ chức một đám cưới nho nhỏ vào đúng hôm ra trại rồi dìu dắt nhau về Làng Ven sinh sống”.

Khi về Làng Ven, ông rất bất ngờ vì được chính quyền quan tâm, giao đất, giao rừng cho quản lý, ông và gia đình không phải lênh đênh ngoài đảo giữa lòng hồ Thác Bà như trước kia nữa. Có đất, có ruộng, vợ chồng ông ra sức trồng ngô, sắn... Mỗi năm gia đình ông thu gần trăm triệu đồng từ việc bán cây lâm nghiệp, bán ngô, lúa...

Ông Vinh bảo: “Giờ nhận thức của người dân được nâng cao hơn, bà con chòm xóm không còn miệt thị dân “đảo hủi” nữa, những sản phẩm mà gia đình tôi như keo, lát, lúa, gạo, gà, vịt... làm ra đến đâu bán hết đến đó. Trước đây gia đình tôi được một người bán hàng trong chợ xã cho một gói muối lúc cùng kiệt đến giờ gia đình tôi vẫn nhớ. Năm ngoái, gia đình người bán hàng tốt bụng đó gặp khó khăn, tôi và vợ đã đem lúa, gạo đến tận nhà để giúp đỡ lại. Ngoài ra, những cư dân trước đây của “đảo hủi” khi lên bờ gặp khó khăn gì gia đình tôi đều nhiệt tình giúp đỡ”.

“Chúng tôi rất mừng, hai con tôi đều học hành chăm chỉ và cần mẫn làm ăn, với chúng tôi thì chỉ cần gia đình được quây quần bên nhau, sống chan hòa với hàng xóm láng giềng là vui mừng, hạnh phúc lắm rồi. Nếu như không có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền thì chúng tôi không có cuộc sống tươm tất như ngày hôm nay”, ông Vinh cho biết.

Ông Trịnh Văn Sơn, trưởng thôn Làng Ven nhớ lại: Khi những cư dân ở “đảo hủi” trở về, xã, huyện cho “đảo hủi” nhập vào thôn Làng Ven để dễ quản lý, đồng thời giao đất, giao rừng cho từng hộ dân để họ có đất làm ăn sinh sống. Nhờ sự cần mẫn, chịu khó cùng với lòng kiên trì quyết tâm phát triển kinh tế mà đến nay đã có nhiều hộ có thu nhập gần trăm triệu đồng một năm. Ở nơi hoang sơ này, mức thu nhập như thế là niềm mơ ước của rất nhiều hộ dân Làng Ven.

“Sự kỳ thị đối với người bị bệnh hủi là không tránh khỏi, một phần vì dân trí thấp. Chúng tôi đã tuyên truyền tới từng hộ, người người về căn bệnh này. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và không bị lây lan như dân gian quan niệm. Dân “đảo hủi” đã được lên bờ, được hoà nhập cộng đồng. Một số hộ dân đã làm kinh tế có hiệu quả và trở thành tỷ phú”, ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chấn cho biết.