Đối tác toàn diện Việt - Mỹ đặc biệt coi trọng an ninh y tế toàn cầu giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc cam kết cung cấp thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đồng thời khai trương Văn phòng Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris cho thấy, an ninh y tế toàn cầu được đặc biệt coi trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (bên phải) và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (bên trái) dự Lễ khai trương Văn phòng Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (bên phải) và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (bên trái) dự Lễ khai trương Văn phòng Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội

Mỹ coi trọng “ngoại giao vaccine” với Việt Nam

Mỹ khẳng định vai trò là một đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 lớn nhất cho Việt Nam khi cam kết tài trợ thêm 1 triệu liều vaccine. Cam kết này được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra trong các cuộc hội kiến với lãnh đạo nước ta ngày 25-8, đồng thời nêu rõ, 1 triệu liều vaccine Pfizer- BioNTech này sẽ được chuyển tới Việt Nam trong vòng 24h tới.

Với việc thông báo tài trợ thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19, Mỹ đã nâng tổng số vaccine viện trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều kể từ đầu đại dịch tới nay. Trước đó, Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 thông qua cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19” (viết tắt là COVAX). 5 triệu liều vaccine nói trên đều đã về tới Việt Nam để đưa vào chương trình tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Theo đó, 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng Moderna (thông qua COVAX) đã chuyển giao cho Việt Nam theo hai đợt. Đợt đầu tiên gồm 2 triệu liều vào ngày 10-7-2021 và đợt thứ hai hơn 3 triệu liều vào ngày 24-7 vừa qua. Tính tới thời điểm này, với số lượng vaccine phòng Covid-19 đã nhận được, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia đứng đầu về số lượng nhận hỗ trợ vaccine từ Mỹ.

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng, hình ảnh những lô vaccine phòng Covid-19 dán quốc kỳ Mỹ, đi qua nửa vòng Trái đất tới Việt Nam là một hình ảnh đẹp và ấn tượng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, “ngoại giao vaccine” đã gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Đáng chú ý, phía Mỹ hiện đang xem xét viện trợ thêm vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam thời gian tới. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng, đây là sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam trong bối cảnh vaccine hiện đang vô cùng khan hiếm trên toàn thế giới và nhu cầu của các nước đối với nguồn cung ứng vaccine từ Mỹ là rất lớn.

Mỹ đang triển khai chương trình viện trợ vaccine phòng Covid-19 tới gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với vaccine Moderna, lô vaccine Pfizer đầu tiên mà Mỹ viện trợ cho thế giới sẽ được chuyển đi vào cuối tháng 8 này. Đây là một phần trong gói viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước thu nhập thấp, với khoảng 200 triệu liều dự kiến sẽ được phân phối trong năm 2021 và 300 triệu liều còn lại sẽ tiếp tục chuyển giao vào năm 2022.

Để đảm bảo nguồn cung vaccine đến được các đối tác nhanh chóng nhất, phía Mỹ đã chọn kênh phân phối chính thông qua COVAX, như đã và đang làm với Việt Nam. Các cơ quan hữu trách của Chính phủ Mỹ như Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao trực tiếp định mức cụ thể viện trợ cho từng đối tác, sau đó thông báo và chuyển qua cơ chế COVAX đến nơi tiếp nhận.

Trong động thái nhằm vận động Chính phủ Mỹ viện trợ thêm vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) mới đây đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden kêu gọi gửi thêm vaccine (bao gồm cả vaccine AstraZeneca từ kho dự trữ) cho Việt Nam để duy trì chuỗi cung ứng. Theo hiệp hội này, việc viện trợ thêm vaccine không chỉ giúp Việt Nam chống dịch mà còn có thể thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi.

Việt Nam - Mỹ hợp tác ứng phó với thách thức an ninh y tế toàn cầu

Trong hoạt động đáng chú ý nhân chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của đương kim Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris vào chiều 25-8 đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) tại Hà Nội. Việc văn phòng mới này đi vào hoạt động sẽ tăng cường năng lực của CDC Mỹ nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn, đồng thời xây dựng các kết nối quan trọng giữ Mỹ với các quốc gia khu vực nhằm giải quyết những ưu tiên, thách thức chung về y tế.

Ưu tiên ban đầu của Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á đặt tại Hà Nội là điều phối các hoạt động liên quan đến dịch Covid-19 trong khu vực. Không giới hạn ở các hoạt động liên quan đến Covid-19, các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của văn phòng còn bao gồm mở rộng đào tạo xét nghiệm y tế công cộng khu vực, nhằm đưa vào những chương trình đào tạo tốt hơn cho các cơ sở xét nghiệm, xây dựng các chương trình đổi mới để cải thiện sức khỏe cho dân số lưu động và di cư, mở rộng phạm vi hoạt động của chương trình “Một sức khỏe” tại và giữa các quốc gia trong khu vực, hướng tới xóa bỏ các bệnh như sởi, dại và sốt rét. Đồng thời, văn phòng hỗ trợ các sáng kiến chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ trong khu vực, như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sáng kiến tương lai y tế Mỹ - ASEAN và Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông… Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thực hiện những ưu tiên chung về y tế.

CDC Mỹ khẳng định Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á sẽ là đối tác chuyên môn đáng tin cậy, được các quốc gia biết đến, đồng thời đóng vai trò là đầu mối tăng cường mối quan hệ trong khu vực - đặc biệt là các mối quan hệ kết hợp thông qua ASEAN. Đánh giá về việc Mỹ chọn Thủ đô Hà Nội của Việt Nam để đặt Văn phòng Trung tâm CDC Mỹ cho cả khu vực Đông Nam Á, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng, bên cạnh việc thể hiện sự cam kết lâu dài của nước Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực y tế, điều này chứng tỏ quan hệ Việt Nam - Mỹ có độ tin cậy và hợp tác.

Mặt khác, đây cũng cho thấy Việt Nam có đủ năng lực y tế và có tính chất biểu tượng để đặt CDC khu vực. Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, văn phòng này sẽ không chỉ kết nối được CDC Mỹ với khu vực Đông Nam Á, với Việt Nam mà còn kết nối những nghiên cứu hợp tác, hỗ trợ nhau phòng chống dịch bệnh giữa Việt Nam, Mỹ và toàn khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Ông tin tưởng, Văn phòng CDC Mỹ tại Hà Nội sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng trong việc hợp tác phòng chống Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và điều đó rất có ý nghĩa thiết thực.

Việc cam kết tài trợ 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, khai trương Văn phòng CDC Mỹ tại Hà Nội cho thấy việc Mỹ coi trọng hợp tác với Việt Nam trong việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống mà y tế, bệnh tật đang nổi lên như những thách thức nghiêm trọng. Hợp tác Việt Nam - Mỹ ứng phó với thách thức an ninh y tế đang là một trọng tâm của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.