Yêu cầu về cân bằng, hài hòa lợi ích khi xem xét nâng lương tối thiểu

ANTD.VN - Những năm gần đây, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong một số ngành nghề, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, thu nhập của nhiều công nhân không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

Lương không đủ sống, nhiều công nhân phải làm thêm liên tục để tăng thu nhập

Theo kế hoạch, trong quý III-2019, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục các phiên đàm phán, xem xét, đánh giá mức sống tối thiểu để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2020.

Tấm lưới để bảo vệ người lao động

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp tại vùng đó được nhận. Người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về lương, nhưng lương thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.

Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ năm 2013 đến nay, hàng năm các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, mức lương tối thiểu được xác định dựa trên các yếu tố cơ bản: nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá sinh hoạt, mức lương trung bình trên thị trường lao động và mức sống của các nhóm lao động khác, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… Quy định này nhằm bảo vệ, cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là nhóm có thu nhập thấp; bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng là 5,3% vào năm 2019 cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải sớm đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu cho năm 2020.

Chưa thống nhất về xác định mức sống tối thiểu 

Theo ông Lê Đình Quảng, Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp nên nhiều năm liền, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã căn cứ trên nhiều yếu tố, trong đó “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” là một trong những yếu tố quan trọng. Việc xác định nhu cầu sống tối thiểu (thực chất là mức sống tối thiểu) các năm vừa qua do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đảm nhận.

Dự đoán về mức lương tối thiểu vùng năm 2020, các chuyên gia cho rằng,  mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khó tăng cao như những năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn được xem xét điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, đây là vấn đề không có công thức chung nên những năm qua, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về mức sống tối thiểu khác nhau. Ví dụ, vào năm 2018, khi xác định nhu cầu sống tối thiểu, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%); còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%). Chỉ với khác biệt này đã làm cho việc xác định nhu cầu sống tối thiểu giữa hai cơ quan chênh nhau hơn 300.000 đồng, cho nên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hàng năm vẫn là yếu tố gây nhiều tranh cãi.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị: các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng năm 2020, thực hiện đúng mục tiêu “đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” như Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra.

Hài hòa lợi ích các bên

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để chuẩn bị cho kỳ đàm phán lương tối thiểu diễn ra sắp tới, ngay từ đầu năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị định 141/2018/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% so với mức năm 2018. Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai thực hiện tăng lương cho người lao động. 

Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng vừa  khảo sát  tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động tại 4 doanh nghiệp da giầy, may mặc tại TP.HCM và Đồng Nai. Trong tháng 4-2019, cơ quan này sẽ diễn ra cuộc khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố và 8 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Kết quả nhằm đánh giá công tác triển khai chính sách tiền lương, chi trả bảo hiểm xã hội cũng như các kiến nghị về mức lương tối thiểu vùng năm 2020. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, trong quá trình đàm phán, thương lượng, các bên đều đưa ra những quan điểm bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước luôn mong muốn cho đời sống của người lao động được cải thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được duy trì, cho nên các thành viên trong các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ hỗ trợ các bên thương lượng, đạt đến điểm cân bằng, hài hòa lợi ích. Người lao động đương nhiên mong muốn được tăng lương nhiều hơn, nhưng trong điều kiện nhất định, họ cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức trước mắt, chuẩn bị cho bước phát triển tốt hơn trong tương lai.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó lương tối thiểu vùng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình xây dựng, các thành viên Ban soạn thảo lưu ý đến phương thức xác định mức lương tối thiểu; thẩm quyền công bố mức tiền lương tối thiểu; đổi mới thành phần và cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; quyền đại diện trong thương lượng về tiền lương, các nguyên tắc trả lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương ngừng việc và nhiều vấn đề khác liên quan. Trong tương lai gần, tiền lương được trả theo giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, có sự quản lý của Nhà nước.

Dự đoán về mức lương tối thiểu vùng năm 2020, các chuyên gia cho rằng,  mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khó tăng cao như những năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn nên được điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Mức tăng cụ thể phải trải qua các phiên đàm phán giữa các bên mới có thể xác định. Dự kiến, trong quý III-2019, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Kết quả khảo sát lần này có thể được bổ sung vào khuyến nghị chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng 2020.