"Xưởng" sản xuất ma túy cực lớn do người Trung Quốc điều hành bị xóa sổ ra sao?

ANTD.VN -Mới đây, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất ma túy cực lớn do người Trung Quốc điều hành, có xưởng chế biến tại Tây Nguyên. Đây chỉ là một trong số hàng loạt vụ án nghiêm trọng có sự tham gia của người nước ngoài bị phát hiện trong thời gian qua.

Liên tiếp các đường dây ma túy khủng bị triệt phá

Ngày 6/8, tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum), Bộ Công an chủ trì, phối hợp với với các lực lượng chức năng đã bắt 7 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm lít dung dịch tổng hợp, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất phục vụ sản xuất chất ma túy cùng nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để sản xuất ma túy...Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra, làm rõ.

Ngoài vụ việc trên, thời gian qua, các lực lượng chức năng Việt Nam tăng cường đấu tranh, trấn áp, liên tục triệt phá các đường dây ma tuý xuyên quốc gia "siêu khủng" với sự tham gia của nhiều đối tượng là người nước ngoài.

Bên trong xưởng sản xuất ma túy

Trước đó, tại TP.HCM Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an đã phát hiện thêm một đường dây, do các đối tượng người Trung Quốc điều hành, chọn TP.HCM làm nơi tập kết ma túy để chuyển sang nước khác. "Đại bản doanh" của đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy này là một nhà xưởng nằm ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy ép cơ khí, một xe ô tô chứa đầy các bao đựng hoá chất nghi ma tuý với tổng trọng lượng gần 500 kg.

Kẻ cầm đầu đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này là một người đàn ông tên Liu Minh Yang (34 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam.

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam cũng có thể bị xử lý hình sự

Liên quan đến các vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi những người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao?

Về nội dung này, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Khoản 2 Điều 5 BLHS 2015, sửa đổi quy định: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 6 BLHS 2015 cũng nêu rõ: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

Do đó, trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định trên, căn cứ vào các cấu thành tội phạm người nước ngoài thực hiện, họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội.

Khi phát hiện đối tượng người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, cơ quan chức năng cần xác định họ có nằm trong trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự hay không.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong các hình phạt áp dụng cho người phạm tội là người nước ngoài, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất. Nghị định 54/2001/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất quy định, trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội, buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quy định là vậy, song việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của cơ quan tố tụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt là với một số nướcViệt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm, hoặc hiệp định tương trợ tư pháp.

Ngoài ra, sự bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trong những trở ngại rất lớn, đặc biệt trong quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, tuyên án, chưa nói đến việc xác định được nhân thân (tuổi, địa chỉ thường trú, nơi cư trú…) của người nước ngoài phạm tội cũng là điều không đơn giản - Luật sư Tiến Hòa cho biết thêm.