Xúc động câu chuyện về chàng trai hai lần đạp xe xuyên Việt để thăm mộ cha

ANTD.VN - Nếu như một người bình thường chỉ cần 4-5 năm để cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học thì Đỗ Trường Hùng (SN 1994, quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) phải mất đến 6 năm. Xuất phát điểm chậm hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng Trường Hùng luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để đạt được ước mơ. Tốt nghiệp đại học, Hùng được nhận công tác tại một tờ báo uy tín và ấp ủ kế hoạch xuyên Việt lần thứ hai để thăm mộ cha, báo cáo thành tích của mình.

Đỗ Trường Hùng (bên trái) cùng chiếc xe đạp trong chuyến hành trình vào Đắk Lắk báo đỗ đại học với bố năm 2014. Ảnh: NVCC

Hoàn thành 4 năm học tập, rèn luyện tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tháng 6 năm 2018, Đỗ Trường Hùng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Báo chí loại Giỏi. Anh được một tờ báo uy tín nhận làm việc ngay sau đó. Ít ai biết, để đạt được những điều tưởng bình thường như thế, Hùng phải trải qua những khó khăn gì.

Tuổi thơ kém may mắn

Đỗ Trường Hùng sinh ra trong một gia đình bần nông ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Vì miếng cơm manh áo, bố Hùng phải vào Đắk Lắk làm ăn và qua đời tại đây khi hai anh em Hùng còn rất nhỏ. Em trai của Trường Hùng khi ấy còn quá nhỏ để nhớ được khuôn mặt bố mình.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn, gánh nặng kinh tế lúc này đè nặng lên vai người mẹ. Kỉ niệm về người bố trong Hùng vì thế mà không nhiều. Điều làm anh nhớ nhất về bố là hình ảnh bố đạp xe chở hai anh em Hùng đi chơi, đi học, đi xin cơm… trên chiếc xe đạp “cà tàng”.

Trường Hùng tâm sự, trước đây, anh từng là một cậu học trò ham chơi, nghiện game, nghịch ngợm, thành tích học tập luôn đứng chót lớp. Với những điều "bất hảo" như vậy, Hùng thậm chí còn phải học trường Giáo dục thường xuyên vì không thi đỗ vào lớp 10.

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, chứng kiến nỗi vất vả của mẹ khi phải chắt chiu từng đồng nuôi hai anh em ăn học, Hùng dần trưởng thành hơn. Những ngày còn là cậu học sinh lớp 11, Trường Hùng đã nhiều lần theo mẹ đi bán hoa kiếm thêm thu nhập. Chuyện ngủ đường, nằm chợ, đi đêm với hai mẹ con là chuyện cơm bữa.

Mong muốn phụ mẹ kiếm tiền, chia sẻ bớt gánh nặng trên “gánh hoa”, trên những con gà, con lợn mẹ nuôi, Hùng đã xin đi làm phụ hồ ở phố huyện. Trường Hùng tâm sự, anh làm cật lực từ chiều đến tối mới được trả công là 10.000 đồng, đây cũng là số tiền đầu tiên mà anh tự kiếm được. Khi ấy, Hùng mới thấu hiểu được giá trị của đồng tiền, sức lao động và nỗi vất vả trên dáng hình gầy gò, ốm yếu của mẹ. Từ một cậu học trò ngỗ nghịch, Đỗ Trường Hùng trở thành chàng trai trưởng thành, chín chắn hơn nhiều.

Nghị lực của cậu sinh viên nghèo

Trước khi trở thành sinh viên Báo chí, Trường Hùng từng khi đỗ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình và đô thị Hà Nội. Nhận thấy ngành học này không phù hợp với bản thân, năm 2014, Hùng quyết tâm chuyển sang học ban C, thi lại vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trường Hùng năm ấy trở thành sinh viên khóa K34, khoa Báo chí, ấp ủ ước mơ trở thành một nhà báo giỏi. Bốn năm kiên trì, học tập rèn luyện được đền đáp xứng đáng khi anh được cầm trên tay tấm bằng cử nhân Báo chí loại Giỏi trong Lễ tốt nghiệp và có một công việc mơ ước ngay sau đó.

Để có được dấu mốc quan trọng ấy, Trường Hùng phải trải qua thời sinh viên không ít khó khăn, gian khổ. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại phải nuôi hai anh em ăn học, mỗi tháng Hùng chỉ được mẹ gửi cho vỏn vẹn 1,2 triệu đồng để chi tiêu.

Thương mẹ vất vả nên ngoài thời gian học, anh tranh thủ đi làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống: Từ rửa bát thuê, bê gạch, phát tờ rơi, bưng bê, bảo vệ đến chạy xe ôm… Hùng đều không ngại thử. Chi phí sinh hoạt nơi thành thị đắt đỏ, có những bữa cơm, Hùng chỉ ăn cơm trắng với đường hoặc nước mắm. Sau này, khi tự kiếm được số tiền ít ỏi, cậu sinh viên nghèo mới dám mua thêm rau cải thiện bữa ăn. Thương cậu sinh viên nghèo hiếu học, bà chủ nhà hay đem đồ ăn xuống cho Hùng. 

Làm thêm nhiều nghề như thế nhưng Trường Hùng không bỏ bê việc học. Bằng chứng là suốt bốn năm học, Hùng nhiều lần nhận được học bổng và giải thưởng báo chí của trường cũng như cộng tác với nhiều tờ báo uy tín.

Căn phòng trọ chật hẹp là nơi gắn bó với Hùng suốt bốn năm đại học đến giờ

Khi còn học đại học, Trường Hùng là cậu sinh viên để lại nhiều ấn tượng khó quên với thầy cô bạn bè. Là chủ nhiệm lớp đại học của Hùng, thầy Trần Minh Tuấn chia sẻ: “Hùng là một sinh viên có tâm sáng, có lòng yêu nghề rất mãnh liệt. Những điều ấy đối với sinh viên bây giờ rất thiếu, Hùng là một người khác biệt như thế. Thầy hi vọng Hùng sẽ luôn giữ lửa đam mê và phát huy những gì mình đang có để làm nghề tốt hơn”.

Lớn tuổi hơn bạn bè cùng lớp, Trường Hùng trong mắt bạn bè vừa là người anh vừa là người bạn hiền lành, chăm chỉ, hòa đồng và rất đáng nể bởi thành tích học tập.

Anh Võ Hồng Nhân là một người bạn, người em rất thân thiết của Trường Hùng từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học đến bây giờ. Đối với Nhân, Trường Hùng là một người anh thật thà, chăm chỉ, luôn cố gắng phấn đấu vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Hùng luôn là sinh viên giỏi.

Dưới đây là video clip phỏng vấn bạn bè của Trường Hùng:

Năm 2015, khi em trai mình đỗ đại học, Trường Hùng đã ấp ủ dự định xuyên Việt lần hai báo cáo thành tích với người bố đã mất. Anh tự coi đó là lời hứa phải thực hiện. Dù vậy điều kiện và thời gian chưa cho phép nên đến đầu năm 2019 anh mới thực hiện được chuyến đi này. Cùng chúng tôi lắng nghe những chia sẻ và sự chuẩn bị cho hành trình này của Trường Hùng trong nội dung tiếp theo.