Xử trí thế nào khi trẻ bị chó cắn

ANTĐ - Hỏi: Con trai tôi mới bị chó cắn được 5 ngày. Tôi đã cho đắp thuốc Nam và đang theo dõi. Xin hỏi bác sĩ tôi có cần tiêm vaccine phòng dại cho cháu không?

Trả lời: Khi bị chó cắn, ngoài nguyên nhân thẩm mỹ và sức khỏe, nó còn có thể gây ra bệnh dại (bệnh viêm não tủy cấp tính) do virus dại. Virus dại thường lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn. Ngoài ra, nó còn lây qua người qua vết cắn của chồn, dơi, gấu, chuột, sóc, chó rừng... Người bị nhiễm virus này sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời. Triệu chứng dại ở động vật: hung dữ khác thường, nước dãi nhiều, giọng sủa khan, liệt hàm dưới, liệt tứ chi, toàn thân và chết. Khi bị chó cắn phải rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại, băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, nhưng không nên băng quá kín nếu không chảy máu. 

Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm vaccine mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm vaccine dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm.

Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại. Tiêm ngừa dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm.

Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm vaccine. Khi tiêm vaccine dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại vaccine, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn. Đối với trường hợp con bạn, không nên điều trị theo thuốc nam mà nên đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine kịp thời.