Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống cháy, nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mùa hè là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ cao nhất trong năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ song thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện công suất lớn tăng cao, dễ gây chập cháy...

Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống cháy, nổ ảnh 1

Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tuyên truyền PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ nhằm hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH công an các quận, huyện đã cụ thể hóa các kế hoạch bằng những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra xử lý với nhiều chuyên đề khác nhau, lực lượng cứu hỏa đã xác định sử dụng đa dạng các biện pháp, trong đó chú trọng khâu tuyên truyền PCCC, coi đó là công cụ phòng ngừa hiệu quả.

Phòng ngừa cháy, nổ phải làm từ gốc

Một ngày giữa tháng 6-2020, chúng tôi cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức đi tuyền truyền PCCC tại xã Kim Chung. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức chỉ huy CBCS đi phát tờ rơi cho từng người dân, đồng thời phân tích rõ nếu không tự ý thức phòng cháy, sẽ gặp hậu quả khôn lường. Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC - CAH Hoài Đức đã hướng dẫn người dân từng cách nối dây điện phải bọc và đi trong gen, sử dụng gas an toàn phải khóa van khi không đun nấu, tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi nhà...

Đưa ra những hình ảnh mang tính cảnh báo về nguy cơ cháy và những vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra cùng với cách thức đối phó với sự cố tương tự, đã được những tuyên truyền viên là các chiến sỹ Cảnh sát PCCC - CAH Hoài Đức hướng dẫn cụ thể, trao đổi kinh nghiệm, trang bị lý thuyết và thực hành dập lửa an toàn, sử dụng linh hoạt phương tiện bình chữa cháy xách tay cho người dân.

Đánh giá việc đến tận nhà người dân để tuyên truyền, ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch UBND xã Kim Chung khẳng định: “Hiệu quả công tác tuyên truyền của CAH Hoài Đức đã nâng cao ý thức PCCC cho người dân. Trước đây, các cuộc tuyên truyền về PCCC mặc dù được thông báo đến từng nhà, nhưng ít người tham gia. Giờ đây, mỗi khi có đợt tập huấn, tuyên tuyền PCCC, người dân đã tham gia đông và rất tự giác”.

Cũng theo ông Cương, do được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tuyên truyền, tập huấn, nên lực lượng PCCC cơ sở đã trở thành cánh tay nối dài trong nhiệm vụ chữa cháy ở cơ sở. Cùng với đó, lực lượng chữa cháy cơ sở ngoài việc được trang bị kiến thức thường xuyên, họ còn được trang bị cả máy bơm chữa cháy và phát huy công tác phòng chống cháy nổ trong những vụ cháy cụ thể xảy ra ở địa bàn.

Khác với địa bàn huyện Hoài Đức, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm đã báo cáo đề xuất UBND huyện lập đoàn thanh kiểm tra liên ngành, nhằm siết chặt công tác PCCC và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở.

Theo chỉ huy CAH Gia Lâm, xác định địa bàn có nhiều khu vực trọng điểm như: Các cụm công nghiệp, làng nghề, chợ Nành đầu mối về kinh doanh vải, quần áo, khu đô thị Đặng Xá và thời gian sắp tới là Khu đô thị Gia Lâm đưa vào hoạt động với nhiều chung cư cao tầng, Trung tâm thương mại quy mô lớn, CAH Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện triển khai có hiệu quả nhiều Chỉ thị, Kế hoạch của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về nâng cao hiệu quả công tác PCCC - CNCH.

Nhằm cụ thể hóa và siết chặt, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC - CNCH trên địa bàn huyện, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ sở, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 03/3/2020 về việc kiểm tra liên ngành việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC - CNCH tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gas, xăng dầu, chợ, hóa chất; cơ sở trọng điểm, khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức đến tận nhà người dân tuyên truyền an toàn PCCC

Từ công tác kiểm tra liên ngành, CAH Gia Lâm đã kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng về PCCC trong đầu tư xây dựng, vi phạm về lối thoát nạn, trang bị phương tiện chữa cháy, sắp xếp hàng hóa, sử dụng thiết bị điện, các cơ sở kinh doanh không phép, xây dựng trái phép, các cơ sở vi phạm về PCCC đã được các cấp chính quyền hoặc cơ quan công an ra quyết định tạm đình chỉ, nhưng vẫn cố tình hoạt động.

“Đối với từng loại hình kinh doanh, Đoàn kiểm tra liên ngành đã báo cáo đề xuất UBND huyện Gia Lâm kiên quyết xử lý vi phạm, giao các cấp chính quyền, ban, ngành tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật PCCC” - Thượng tá Phạm Xuân Quang, Phó trưởng CAH Gai Lâm cho biết.

Chỉ trõ nguyên nhân tồn tại

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 204 vụ cháy, làm 6 người chết, 12 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 311 vụ chập điện trên cột, 399 sự cố chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu...

Qua đánh giá của CATP Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu do chập điện với 128 vụ; sơ xuất khi sử dụng lửa 16 vụ; hàn cắt 2 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt 1 vụ; rò rỉ gas 1 vụ; sự cố va chạm giao thông 1 vụ; đốt 1 vụ; đang điều tra 54 vụ.

Tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn huyện Gia Lâm

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội phân tích, chỉ rõ tồn tại: “Công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền về PCCC mới dừng lại ở ban hành văn bản chỉ đạo; việc kiểm tra đôn đốc, sơ - tổng kết đánh giá còn yếu nên hiệu quả thực hiện tại cơ sở nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhiệm vụ cụ thể theo chương trình như: tổ chức hội thảo về ứng dụng khoa học công nghệ đối với công tác PCCC và CNCH; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng “4 tại chỗ” về PCCC và CNCH tại một số địa phương và cơ quan doanh nghiệp trọng điểm về cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội; tập huấn về trách nhiệm, thẩm quyền trong việc thực hiện công tác PCCC, CNCH của người đứng đầu UBND cấp xã”.

Cũng theo chỉ huy đơn vị này, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nên mức độ chuyển biến trong nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và người dân về công tác PCCC còn hạn chế. Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC có tiến bộ, song chưa có những mô hình tiêu biểu nổi bật cấp thành phố để nhân rộng. Việc phát triển lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng tuy đã chú trọng, nhưng còn nhiều bất cập; lực lượng, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu do còn gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với lực lượng này.

Tổ liên ngành kiểm tra công tác an toàn PCCC tại cơ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm

Xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy, nổ là do nguồn điện, xuất phát từ sự bất cẩn của người dân. Để chủ động phòng ngừa cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao, nhằm phát hiện tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC để kịp thời kiến nghị, hướng dẫn khắc phục phòng ngừa cháy, nổ, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất đẩy mạnh công tác tổ chức huấn luyện và diễn tập phương án PCCC và CNCH, để phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở khi có cháy, nổ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và đó chính là biện pháp tối ưu để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra.