Xóm bản hồn hậu trên hồ Hòa Bình níu chân du khách

ANTD.VN - Một ấm chè (trà) nóng. Chè được hái trên đồi vừa mới sao xong. Một rổ lạc vụ mới đem luộc chín ăn vừa thơm vừa bùi. Một chén rượu gạo mới nấu. Vài cây mía chặt ngay tại vườn… - Cứ thức gì sẵn có, tươi và ngon, người dân sống trên những hòn đảo lòng hồ Hòa Bình lại đem ra mời khách có dịp ghé chơi.

Thuyền gần cập bến bản Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, nhìn ra xa, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những chàng trai, cô gái mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường hướng về thuyền vẫy tay chào kèm theo những nụ cười rạng rỡ. Chàng thanh niên tên Đinh Văn Sánh từ bến dẫn chúng tôi lên nhà sàn nghỉ ngơi, mời khách những cốc nước lá màu vàng nâu mát lạnh.

Xóm bản hồn hậu trên hồ Hòa Bình níu chân du khách ảnh 1Du lịch trên lòng hồ Hòa Bình thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế

Những xóm bản hồn hậu

Khi được hỏi chuyện, anh Đinh Văn Sánh kể: “Gia đình tôi hoạt động mô hình “homestay” đã được hơn 3 năm. Trước đây, người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông - lâm - ngư nghiệp, nền kinh tế của huyện còn kém phát triển”. Bà con xóm bản tìm hiểu về cách làm du lịch như: đón khách, nấu nướng, ngoại ngữ, dọn dẹp vệ sinh, làm sao để xây dựng môi trường du lịch hấp dẫn trên mảnh đất quê hương...

Gia đình anh Đinh Văn Sánh là một trong những hộ được dự án hỗ trợ. Sau một thời gian triển khai thực hiện, tới nay gia đình là điểm đón khách thường xuyên. Anh Đinh Văn Sánh ngại ngùng: “Tuy nhiên, ở bản Ké chỉ có 4 hộ làm “homestay”, khách đặt phòng đã kín đến tận năm 2018”.

Bởi thế, những vị khách đến từ Hà Nội chúng tôi chỉ ăn trưa tại bản Ké, sau đó sẽ lên tàu đến bản Đá Bia, xã Tiền Phong cách đó không xa nghỉ lại. Bữa cơm trưa do chính người dân nơi đây sửa soạn, thức ăn được bày lên một chiếc mẹt lót lá chuối, những món giản dị địa phương.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi nếm thử món nộm măng chua ngọt vừa phải, hương vị của món cá nướng và thịt lợn Mường nướng với hương vị mới lạ: cá được đánh bắt ngay tại hồ và thịt lợn được người dân nơi đây tẩm ướp bằng thứ gia vị hái quanh vườn nhà…

Sau khi dạo chơi một vòng bản Ké, chụp nhiều kiểu ảnh đẹp dưới rặng đào tháng 11 xanh mướt lá, thử tưởng tượng những cây đào này sẽ ra hoa rợp trời khi đến mùa xuân, chúng tôi háo hức tới bản Đá Bia để cất đồ đạc và ngả lưng một lát.

Đường vào bản Đá Bia, tôi rất ấn tượng khi gặp một quầy hàng lúp xúp không ai trông coi, tấm biển quầy hàng mang tên “Tự giác” và gồm giá của các sản phẩm nông sản, du khách muốn mua một túi khoai luộc có giá 40.000 đồng sẽ chủ động để lại tiền ở quầy và cầm túi khoai theo, tương tự với các mặt hàng khác như bánh trái, hoa quả đặt tại quầy.

Quầy hàng tự giác vẫn luôn được duy trì, ý thức tự giác của mỗi vị khách tới đã giúp những người dân địa phương bận bịu việc nhà cửa, chăn nuôi, trồng trọt vẫn có thể kiếm thêm thu nhập từ buôn bán nhỏ lẻ.

Xóm bản hồn hậu trên hồ Hòa Bình níu chân du khách ảnh 2Hoạt động chèo bè mảng, kayak được đông đảo du khách yêu thích

Mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn

Phần lớn, du khách tại đảo trên lòng hồ Hòa Bình đến từ Hà Nội, Sơn La, các công ty du lịch cũng nắm bắt thời cơ thu hút thêm cả du khách quốc tế từ Hà Nội đến đây. Đi bộ thăm các bản làng, các đoàn khách tình cờ gặp nhau trên đường quay ra bắt tay rồi chào nhau thân thiện.

Một điều thú vị, trong buổi tối giao lưu văn nghệ với người dân, dù can đảm và hào hứng đến đâu, những vị khách đến từ thành phố chúng tôi đều e dè với màn nhảy sạp, nếu không cẩn thận sẽ bị những cây tre đập vào mắt cá chân.

Thế nhưng, sau màn nhảy sạp thì mọi rào cản hay sự ngại ngần của du khách với người dân bản địa đều được gỡ bỏ, người dân sẽ nhảy mẫu trên nền đất rồi nắm tay du khách hòa vào tiếng nhạc cùng bước chân nhịp nhàng. Và nếu du khách có nhảy lỗi cũng cười rạng rỡ vì niềm vui.

Tuy nhiên, du khách chúng tôi muốn được trải nghiệm nhiều hơn, lúc ngắm hoàng hôn, chờ sương đêm ẩm ướt rơi xuống và hít thở trong không khí tháng 11, chúng tôi mong muốn có thể dễ dàng mua một chiếc khăn thổ cẩm sắc màu để quàng cổ; chúng tôi thèm được ngó nghiêng ngắm một phiên chợ sớm hay chiều dù đơn sơ...

Các du khách truyền tai nhau về ích lợi của tắm lá thuốc, ngâm chân lá thuốc tại Hòa Bình nhưng không phải ở xóm bản nào cũng có thể trải nghiệm này. Các điểm đến tại lòng hồ Hòa Bình đang dần hoàn thiện về chất lượng dịch vụ cơ bản như nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, du khách hy vọng có thêm những hoạt động vui chơi, mua sắm đồ lưu niệm để gia tăng trải nghiệm trên chuyến đi của mình.

Chị Bùi Thị Nhềm, chủ “homestay” Ngọc - Nhềm nơi tôi dừng chân chia sẻ: “Làm du lịch giúp chúng tôi có nguồn thu tốt hơn, bên cạnh làm nông nghiệp”. Với sự lạc quan, người dân địa phương có thể làm được nhiều hơn nữa.

Nhiều du khách đến đây còn gợi ý cho người dân về mô hình du lịch của phương Tây mà họ có thể dễ dàng thực hiện, ví như: cho du khách thuê xe đạp đi lại, để du khách tham gia thu hoạch lúa, trải nghiệm hái rau, quả, trồng cây...

Tuy nhiên, việc quan trọng nhất của du lịch “homestay” mà địa phương cần lưu tâm hơn, đó là phát triển du lịch bền vững đòi hỏi môi trường phải sạch, nên trồng thêm những loại hoa đặc trưng mơ, mận, ban, mua, sim, dã quỳ... để tạo cảnh quan thu hút khách.

Đồng thời, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng của người dân là điều quan trọng nhất, bởi sẽ thật đáng buồn nếu các dịch vụ du lịch đầy đủ, nhưng sau mỗi cơn bão, đường đi lối lại bị sạt lở khiến du khách ngại ngần đến tham quan.