Xoay theo sự chuyển động của thông tin giáo dục

ANTD.VN - Trong hơn 3 tháng học sinh phải nghỉ học vì dịch Covid-19, phóng viên theo dõi giáo dục vẫn quay cuồng với hàng loạt những cú “lội ngược” trong quy định về các kỳ thi quan trọng hay những ứng biến liên tục về việc học tại nhà thay vì được đến trường.

Hàng triệu học sinh, sinh viên và giáo viên đã bắt đầu hình thành tư duy dạy và học chủ động trong những hoàn cảnh đặc biệt

Thi cử luôn “nóng” nhất

Một trong những tin tức thuộc mảng giáo dục đạt mức “view” cao nhất trong tuần đầu tháng 3 của Báo An ninh Thủ đô chính là thông tin về sự thay đổi đột ngột trong kỳ thi quan trọng THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm nay. Đợt nghỉ kéo dài 3 tháng ngay sau Tết Nguyên đán 2020 dẫn tới hệ quả là học sinh không thể đến trường và học tập theo lộ trình thông thường. Chính vì vậy, một trong những thông tin nhận được sự quan tâm thường xuyên của bạn đọc là những thay đổi trong học kỳ cuối năm học 2019-2020 này, đặc biệt là thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia theo như thông báo trước đó là diễn ra vào giữa tháng 6-2020.

Cuối tháng 2-2020, khi tình hình dịch bệnh đang tiếp diễn phức tạp, học sinh cả nước phải nghỉ học, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 với thời điểm kết thúc năm học trước ngày 30-6, lùi lại 1 tháng so với thông thường.

Lúc này, kỳ thi THPT quốc gia vẫn chưa được bàn đến việc thay đổi hình thức tổ chức mà chỉ lùi lại thời gian với dự kiến từ ngày 23-7 đến ngày 26-7-2020. Tuy nhiên, sau chưa đầy nửa tháng, thông tin khiến nhiều người ủng hộ là việc điều chỉnh của Bộ GD-ĐT lùi thời gian kết thúc năm học cũng như kỳ thi THPT quốc gia 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với việc liên tục cập nhật những thông tin về việc sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi dịch Covid-19 đã tạm được khống chế, đề tài giáo dục lại nóng lên với đề xuất bỏ kỳ thi THPT quốc gia, thay vào đó chỉ xét tuyển bằng kết quả học tập THPT vì nhiều địa phương việc học tập của học sinh bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến việc ôn tập của học sinh lớp 12. Câu chuyện được bàn đi, tính lại với nhiều hướng phân tích trong sự sốt ruột, lo lắng của cả triệu thí sinh và các bậc phụ huynh cả nước.

Ngay sau đó, tin gây “sốc” nhất chính là quyết định bỏ thi THPT quốc gia thay vào đó chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT và giao toàn quyền tổ chức về từng địa phương thay vì phối kết hợp với các trường đại học. Dư âm về những gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn còn liên tục được bàn đến trước quyết định này. Liệu việc giao toàn quyền cho địa phương có dẫn tới sự thiếu công bằng giữa các tỉnh, thành phố khi có nơi coi thi, chấm thi lỏng, chặt khác nhau? Liệu các trường đại học có tin tưởng vào kết quả kỳ thi này để quyết định lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào trường mình?

Sự thay đổi này khiến ngành giáo dục được đặc biệt quan tâm giữa thời điểm cả nước đang giãn cách xã hội phòng chống lây lan Covid-19. Trước băn khoăn về việc giao tự chủ cho các trường ĐH tuyển sinh dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở, gây áp lực, tốn kém, học sinh lại kéo về thành phố lớn để dự thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, ước tính, cả nước có khoảng từ 10 đến 20% học sinh THPT sẽ lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này. Thông tin này tạm thời khiến thí sinh và phụ huynh yên tâm hơn để tập trung hoàn thành chương trình và tự ôn tập theo hướng dẫn trực tuyến tại nhà.

Nhà báo Vinh Hương

Sự chuyển động lớn trong giáo dục

Có thể thấy sự thiếu chủ động ban đầu trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 của ngành giáo dục là điều tất yếu bởi mức độ ảnh hưởng quá lớn trên cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục nhận định, đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực giáo dục, khiến cả thế giới phải tìm kiếm câu trả lời về cách đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong những thời điểm thử thách này. Vì vậy, các nước đã tập trung vào giải pháp học trực tuyến và truyền hình. 

Tại Việt Nam, sau những lúng túng ban đầu khi dịch Covid-19 diễn ra thì trong tháng 4, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã triển khai giảng dạy qua truyền hình hoặc giảng dạy trực tuyến. 

Sự thích nghi, chuyển mình của hệ thống giáo dục này sẽ kéo theo những thay đổi lâu dài về quan điểm, thói quen của người học và người dạy. Phương thức học truyền thống trên lớp đã chính thức được chia sẻ bằng các hình thức dạy và học khác, ứng dụng công nghệ, phát huy sự đóng góp của cộng đồng. Cô giáo Đặng Thanh Phúc, Phó Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa, Hà Nội nhớ lại, thời điểm nghỉ học, các giáo viên thực sự vất vả và lúng túng trước yêu cầu bắt buộc phải thay đổi cách dạy học khi học sinh không thể đến trường.

“Trước yêu cầu thực tế, giáo viên đã thích nghi rất nhanh với việc quản lý và tổ chức giảng dạy cho học sinh theo hình thức trực tuyến, kết hợp bài giảng trên truyền hình. Từ giáo án, bài giảng đến cách thức giao tiếp với phụ huynh, cách quản lý học sinh phải thay đổi hoàn toàn. Các cuộc họp chuyên môn trực tuyến liên tục được tổ chức để phổ biến, khắc phục những “lỗi” trong quá trình dạy học trực tuyến để học sinh có thể tiếp cận và học hiệu quả khi không có giáo viên kèm cặp trực tiếp” - cô giáo Đặng Thanh Phúc chia sẻ.

Có lẽ hình ảnh tiêu biểu cho sự thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh chính là tấm hình chụp chiếc lán giữa rừng núi Hà Giang được một sinh viên dân tộc dựng lên để bắt sóng 3G học trực tuyến. Sinh viên Lầu Mí Xá, Học viện Hành chính quốc gia đã tự dựng lán để học online giữa núi. Khu vực Lầu Mí Xá ở không có Internet nên học online rất khó khăn. Sau khi phát hiện trên đoạn đường vào bản có sóng, Lầu Mí Xá đã tự dựng lán để có chỗ học thường xuyên. Sinh viên này chia sẻ, dù chỉ là lán tạm nhưng có thể học tập ổn định trong 2-3 tháng vì có điện, mạng, đủ ánh sách, không gian thoáng…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên. Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục như không đảm bảo tính bình đẳng, vì còn nhiều học sinh chưa có máy tính và mạng                  internet ở nhà, học sinh chưa thực sự chủ động trong học tập, thậm chí một số học sinh đã để tên tài khoản (ID) và mật khẩu công khai trên mạng xã hội để một số đối tượng xấu vào lớp học để quậy phá.

Với nhiều thay đổi của giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp tiếp tục được thực hiện đồng bộ. Những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số hoặc có hành vi vượt quá giới hạn. Căn cứ vào yêu cầu của chương trình nội dung môn học và thực tiễn triển khai, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng.

Có thể thấy, từ những lúng túng ban đầu, ngành giáo dục đã có những bước chuyển biến rõ rệt về việc phải hiện đại hóa, đa dạng hóa các hình thức dạy học. Đặc biệt, hàng triệu học sinh, sinh viên và chính các giáo viên đã bắt đầu hình thành tư duy về dạy và học chủ động, tự học trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đây có lẽ là một trong những điểm sáng của ngành mà sau nhiều năm bám sát mảng đề tài này, phóng viên giáo dục nhận thấy rõ nhất sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.