Xét nghiệm sốt xuất huyết: Hoang mang vì sáng âm tính, chiều lại dương tính

ANTD.VN - Nhiều người dân ở Hà Nội phản ánh về việc họ gọi dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà cho kết quả âm tính với sốt xuất huyết (SXH) nhưng sau đó tới bệnh viện lại được chẩn đoán dương tính.

Trong mùa cao điểm SXH, do các bệnh viện đều quá tải nên nhiều người dân tìm đến dịch vụ xét nghiệm máu chẩn đoán SXH tại nhà. Tuy nhiên, độ chính xác, chất lượng của các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm SXH tại nhà đến đâu vẫn là vấn đề gây ra nhiều hoài nghi.

Xét nghiệm sốt xuất huyết: Hoang mang vì sáng âm tính, chiều lại dương tính ảnh 1Nhiều bệnh nhân thuê dịch vụ lấy mẫu máu xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà (Ảnh minh họa)

Một ngày, hai kết quả khác nhau

Giữa mùa cao điểm SXH hiện nay, chỉ cần vào google gõ cụm từ “xét nghiệm sốt xuất huyết” dễ dàng tìm kiếm được hàng chục cơ sở quảng cáo về việc cung cấp dịch vụ này tại địa bàn Hà Nội. Ngay cả một số phòng khám tư cũng đang quảng cáo mạnh mẽ dịch vụ xét nghiệm SXH tại nhà

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các bệnh viện công đều quá tải, dịch vụ xét nghiệm SXH đem lại nhiều tiện ích cho người bệnh. Tuy vậy, cũng có không ít người bệnh phản ánh, bày tỏ nghi ngờ về kết quả xét nghiệm SXH tại các cơ sở y tế, đặc biệt là kết quả xét nghiệm máu tại nhà. 

Trên trang facebook cá nhân, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh, con gái chị sốt cao ngày thứ hai, nghi mắc SXH vì nhiều người quanh nhà đã mắc SXH nên chị gọi điện tới một cơ sở y tế tư nhân thuê dịch vụ xét nghiệm máu chẩn đoán SXH tại nhà. Cuối buổi sáng, cơ sở cung cấp dịch vụ gửi trả kết quả xét nghiệm qua email của chị, cháu bé âm tính với SXH. Thấy con vẫn sốt cao không đỡ, có nhiều triệu chứng của bệnh SXH nên chiều cùng ngày chị đưa con tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện lại cho thấy con gái chị  dương tính với SXH Dengue… 

Đừng quá lạm dụng xét nghiệm

Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, những trường hợp tương tự như vậy không hiếm. Thực tế ở vụ dịch SXH năm nay, bệnh viện đã gặp khá nhiều trường hợp làm xét nghiệm âm tính với SXH trước đó nhưng lại nhập viện cấp cứu vì SXH. Song theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, việc bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SXH khác nhau trong cùng một ngày là điều… bình thường.

Dịch vụ xét nghiệm SXH tại nhà hoàn toàn có thể được, điều quan trọng là ứng xử với kết quả xét nghiệm ra sao. Dù kết quả xét nghiệm là âm tính với SXH nhưng nếu có các dấu hiệu lâm sàng của SXH như sốt cao, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… thì người bệnh nên đi khám lại. 

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương)

Phân tích kỹ hơn về những lo lắng, hoang mang của một số người bệnh với kết quả xét nghiệm SXH, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, xác suất cho kết quả xét nghiệm dương tính với SXH chính xác khoảng 95-98%, tức vẫn còn khoảng 2-5% sai số. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm SXH đạt độ chính xác đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời điểm lấy mẫu máu xét nghiệm đến kỹ thuật, quy trình lấy mẫu máu và chất lượng của phòng xét nghiệm. 

Cụ thể, vào ngày thứ hai - ba từ khi bệnh nhân khởi sốt, virus Dengue cao nhất nên xác suất dương tính SXH nếu xét nghiệm vào thời điểm này là cao nhất. Từ ngày thứ năm - sáu trở đi, khi nồng độ virus trong máu đã giảm nhiều trong khi nồng độ kháng thể chưa tăng đủ cao thì các xét nghiệm (kháng nguyên, kháng thể) có thể đều âm tính. Ngoài ra, nếu cán bộ lấy mẫu máu không đúng kỹ thuật, quá trình lưu giữ, vận chuyển mẫu máu không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì kết quả xét nghiệm có thể không chính xác.

“Việc gọi dịch vụ xét nghiệm SXH tại nhà hoàn toàn có thể được, điều quan trọng là ứng xử với kết quả xét nghiệm ra sao. Dù kết quả xét nghiệm là âm tính với SXH nhưng nếu có các dấu hiệu lâm sàng của SXH như sốt cao, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… thì người bệnh nên đi khám lại. Ngay với các bác sĩ điều trị, kết quả xét nghiệm SXH cũng chỉ là một kênh thông tin tham chiếu để giúp bác sĩ chẩn đoán chứ không ai dựa vào 100% xét nghiệm để chẩn đoán và xác định hướng điều trị. Ở giai đoạn muộn, thầy thuốc thường căn cứ vào diễn tiến của bệnh để xác định có bị SXH hay không, cần làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó tiên lượng các diễn tiến có thể xảy ra” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trong 3 ngày đầu tiên khi khởi phát sốt, rất khó phân biệt SXH hay sốt do các căn nguyên khác. Vì thế, người bệnh cần đi khám và được tư vấn điều trị phù hợp.