Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên từ bất kỳ hướng nào

ANTD.VN - Chuyên gia pháp lý Trịnh Văn phân tích xung quanh Điều 22 Luật giao thông đường bộ, quy định về Quyền ưu tiên của một số loại xe, trong đó xác định rõ “quyền’’ đối với xe chữa cháy trong khi làm nhiệm vụ.

Thời gian gần đây, tại các đô thị lớn trong đó có Hà Nội, xuất hiện hiện tượng phương tiện tham gia giao thông vô tình, hoặc cố tình không chấp hành quy định về quyền ưu tiên đối với một số phương tiện cơ giới của cơ quan chức năng.

Xe chữa cháy khi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên hoạt động trên mọi tuyến đường và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông

Điều này được nhìn nhận có thể do bất cẩn, do lúng túng trong phản ứng, song không ít trường hợp không nắm bắt quy định của pháp luật, từ đó không chấp hành quy định về “quyền” ưu tiên đối với một số loại xe.

Cụ thể, Điều 22 – Luật Giao thông đường bộ quy định Quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia pháp lý Trịnh Văn, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ các dấu hiệu thể hiện “quyền” được ưu tiên đối với những phương tiện này.

Đó là khi đi làm nhiệm vụ, phương tiện phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định. Đơn cử như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ phải có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên.

“Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nêu rõ quy định của Luật giao thông đường bộ, và nhìn nhận:  “Quy định này cho phép xe chữa cháy đi vào đường cao tốc, kể cả đường ngược chiều, với mục đích tiếp cận nhanh nhất điểm cháy”.

Trong trường hợp bắt gặp tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Nếu không chấp hành, người – phương tiện tham gia giao thông, tùy theo  tính chất, mức độ - sẽ bị xử phạt theo quy định của NĐ 46/2016/NĐ-CP.

Ngoài Luật Giao thông đường bộ, chuyên giap pháp lý Trịnh Văn cho biết, trong nhiều điều, khoản của Luật Phòng cháy và chữa cháy cùng các văn bản liên quan, cũng quy định rõ về Ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người, phương tiện được huy động chữa cháy và tham gia chữa cháy.

Dập tất đám cháy, cứu người là mục tiêu quan trọng hàng đầu

Mỗi khi nhận được thông tin báo cháy, phản xạ đầu tiên đối với người chỉ huy và chiến sỹ chữa cháy, là tính toán ngay lập tức cung đường ngắn nhất để đến nhanh nhất nơi xảy ra sự cố, để sớm nhất chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, ngăn cháy lan.

Quy định về Quyền ưu tiên của một số loại xe, đối với lực lượng CS PCCC nói riêng, theo tôi, đã đáp ứng hết sức cần thiết tiêu chí - yêu cầu kịp thời chữa cháy, cứu người, sớm phút nào quý phút ấy. Và trong mọi trường hợp, thời điểm, CS PCCC luôn tuân thủ các quy định đối với phương tiện ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

(Thượng tá Đỗ Anh Quyến -  Trưởng phòng CS PCCC số 12, thuộc CS PCCC TP. Hà Nội)