Vươn lên để sống!

ANTĐ - Thay vì ủ ê nhìn cuộc đời đầy vô vị, sao bạn trẻ không thay đổi nhãn quan của mình. Lúc đó bạn trẻ sẽ thấy thèm sống, khát sống bởi cuộc đời này có vô vàn điều thú vị…

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI KHÁT SỐNG

Lê Thị Bích Loan, nữ sinh bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng bằng nghị lực đã vươn lên học giỏi, vào được ĐH Kiến trúc TPHCM, trở thành SV ưu tú và là thủ khoa khuyết tật đầu tiên của trường. Cơ thể không hoàn thiện, đi lại khó khăn, những tưởng Loan sẽ suy sụp, đau buồn, thậm chí là thấy tương lai đóng sập trước mắt. Nhưng nụ cười của bạn lúc nào cũng nở trên gương mặt đầy lạc quan, Loan đã làm được nhiều hơn cả những gì mà nhiều học viên bình thường của bạn chưa làm được.

 

Cô gái cao 70cm đỗ Đại học sư phạm 

Năm 2010, trong số 120 thủ khoa của TP Hà Nội được tuyên dương, cũng thật khâm phục khi có tên của bạn Đào Thu Hương. 10 tuổi, bạo bênh đã cướp đi đôi mắt của Hương. Ánh sáng vĩnh viễn khép lại nhưng nghị lực phi thường của Hương thì lại bắt đầu. Hương học cật lực, luôn là HS giỏi của trường khiếm thị. Sau đó, trở thành SV ĐH Sư phạm Hà Nội khoa tiếng Anh. Nếu như ở vào trường hợp của Hương, sẽ có nhiều người “đánh bài chuồn” vì cho rằng, đời thế là hết, là tàn rồi. Hương lại nghĩ khác, cuộc đời của bạn còn ở phía trước và Hương vẫn có quyền được ước mơ. Hương vẫn có thể sống có ích. Hương học tiếng Anh để hòa nhập với thế giới và sau này trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho chính các em HS của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu…

Sống phải có ích-đó là quan niệm của nhiều bạn trẻ. Vào những ngày thi ĐH, hàng trăm bạn thanh niên xung phong đi làm tình nguyện viên, tìm nhà trọ, giúp đỡ TS đi lại trong ngày thi. Bạn Phùng Khánh Thiện, Phó trưởng ban chỉ đạo tiếp sức mùa thi của Hội tình nguyện Thắp lửa trái tim cho biết, các bạn làm đều trên cơ sở tình nguyện vì muốn sống có ích và muốn thấy sức trẻ của mình không bị lãng phí vào những việc vô bổ. Trong những ngày thi, Thiện và các bạn có riêng một đường dây nóng, trực 24/24 để sẵn sàng giúp đỡ bất cứ TS nào khó khăn khi cần. Đi trên đường phố, nhìn thấy màu áo xanh tình nguyện, sau lưng còn in những dòng chữ: “Đâu cần thanh niên có” thấy thật ấm lòng.

Cũng như Thiện, Mai Hạnh SV ĐH Thương Mại cũng thích dành thời gian để làm công tác xã hội. Hạnh nói, càng đi nhiều, bạn càng thấm thía có quá nhiều người khổ hơn mình, cần mình giúp đỡ. Biết vậy rồi mới thấy mình đã phung phí tương lai, phung phí tuổi trẻ, phung phí quỹ thời gian quý giá của mình quá nhiều. Hạnh thấy mình còn biết bao điều cần làm và phải làm ngay. Thay vì ngồi than vãn cuộc đời, rồi lại thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô vị, chúng ta hãy thử bắt tay vào làm một việc gì đó có ích. Chẳng hạn, giúp đỡ những người xung quanh, hay đơn giản là làm mới căn phòng đang ở. Hoặc là chọn học một khóa học nào đó có ích, như nấu ăn, như tiếng Anh… bạn sẽ thấy cuộc sống tươi vui hẳn lên và không còn buồn chán nữa.

ĐỪNG LÃNG PHÍ CUỘC ĐỜI

Trong khi đó, trái ngược lại những tấm gương ấy, ngày qua ngày, lại vẫn có những bạn trẻ dù lành lặn thân thể, dù được số phận ưu ái cho một gia đình có đủ cả cha mẹ, dù chẳng có lý do gì để mà “bi lụy” thì lại đang nhìn cuộc đời một cách vô nghĩa, thờ ơ.

“Ui chị ơi, con chị lại đánh nhau, đâm xe vào con nhà người ta ngoài đường kia kìa”.

Vừa đi làm về còn chưa kịp dắt chiếc xe vào nhà, chị Hoài đã nghe hàng xóm gọi, mách tội thằng con “trời đánh”. Theo phản xạ tự nhiên, chị Hoài chân nam đá chân xiêu nháo nhào chạy ra hiện trường. Một đám đông đang túm năm tụm ba vây quanh một thằng bé nhác tuổi con chị. Mặt mày nó xướt xát, chiếc quần bò rách toang ống, máu rỉ ra ướt cả chiếc tất. Hoảng hồn chị Hoài lao vào ôm lấy thằng bé, xuýt xoa và kéo ngay người xe ôm gần đó định bụng đưa thằng bé đi viện. May mà thằng bé thương chị, không phải dạng “ăn vạ” đầu bò đầu biếu. Nó bảo: cháu không sao, chỉ bị xước da thôi, vào viện làm gì cho tốn tiền. Cô cho người chở cháu về nhà là được. Chị Hoài khóc dở mếu dở, xin vội địa chỉ thằng bé để tối đến thăm nó. Trước khi lên xe, thằng bé còn kịp quay lại nhắn với chị một câu: Cô xem nhắc nhở anh ấy chứ đi lại ngông nghênh thế, có ngày gặp tai nạn khổ mình, khổ người. Thằng bé đi rồi, chị mới sực nhớ ra thằng con trời đánh. Như hàng chục lần khác, nó lại gây chuyện và nhơn nhơn bỏ đi, để mặc chị giải quyết. Mẹ nào cũng muốn con học hành tấn tới nhưng con chị bỏ ngoài tai tất cả. Nó có thể bỏ học để lao vào những trò vô bổ. Chị nhìn con phung phí tuổi trẻ mà xót xa.

Vươn lên để sống! ảnh 2

Bị liệt đôi chân vì cơn sốt thuở bé, Phạm Thị Hương (Thái Thụy, Thái Bình) đã thi đỗ đại học và đạt loại giỏi ở kỳ học đầu tiên. 

Chuyện của con chị Thu lại khác. Ai đời 17 tuổi mà nó chẳng chịu học hành gì. Suốt ngày nó chỉ ngồi ngáp vặt kêu chán đời. Năm sau thi ĐH rồi, biết sức con không đủ đỗ trường đầu bảng nhưng chị cũng mong con học hành chăm chỉ, cố hết sức, trượt đỗ tính sau. Nhưng, con chị nào có nghe. Nó hôm thì bỏ học, hôm thì dạt nhà báo hại chị suốt ngày hết đi gặp thầy lại đi khắp nơi tìm con. Có lần chị lôi được nó ra khỏi cửa hàng internet, mặt mũi nó bơ phờ tưởng như chết rồi. Chị hỏi thì nó bảo: Con chẳng biết làm gì để giết thời gian. Có mỗi trò chơi điện tử là chơi được lâu nhất, nhanh hết giờ nhất mà ít chán nhất. Chị Thu chỉ biết ngửa mặt kêu trời: Tại sao cuộc đời có nhiều cái đáng làm đáng nhớ, sao con chị lại thế?

Anh chị Thảo-Bình suốt ngày lăn lộn để kiếm tiền nuôi gia đình. Anh Bình cố gắng lo cho con cuộc sống đầy đủ nhất. Nhờ trời, việc làm ăn của anh phất lên nhanh chóng. Cơ hội kiếm tiền dễ quá, nhiều lúc anh còn ước ao giá mà một ngày dài tới 30 tiếng chắc anh còn… có cơ rinh tiền về nhà nhiều hơn. Tiền về, anh trang bị cho con gái không thiếu thứ gì, từ máy tính xách tay, rồi ipod, iphone,… cứ cái gì mới và hiện đại anh cũng mua cho con để mong con học tốt. Anh dự tính khi con vào đại học sẽ cho nó sang một trường nào đó ở nước ngoài để du học. Nhưng, đáp lại sự mong mỏi đó, con anh lại cảm giác nó không hào hứng với những gì anh sắp xếp. Anh bảo gì con nghe vậy, không cãi một câu. Nhưng, một lần, vô tình đọc cuốn nhật ký của con, anh không tin vào mắt mình khi con lại viết nó rất chán sống và nó thấy cuộc đời này thật vô vị. Trong khi anh mong con học cao, thành tài thì nó lại tự nhủ nó không muốn học lên, nó chỉ cần là người bình thường như mọi người. Tóm lại là nó cảm thấy việc mình tồn tại trên đời này chỉ là để cho bố mẹ sắp xếp chứ hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Thay vì đi học như anh nghĩ, cứ chiều chiều, lấy cớ đi học them, nó lại trốn ra cà phê, cà pháo rồi phượt đường với bạn bè để giết thời gian.

 


Đội Tình nguyện viên nhiệt tình của dự án FFAV

TRÁNH XA SỰ CÔ ĐƠN

Theo TS giáo dục học Thụy Anh, quan trọng nhất hiện nay không chỉ là dạy kỹ năng sống mà là chúng ta truyền đạt “giá trị sống” cho mọi người. Ngoài ra, những bài học trên lớp, đặc biệt là môn Văn, đừng chỉ tập trung vào năng lực cảm thụ văn học chung chung mà phải hỗ trợ các em trong việc khẳng định các giá trị tinh thần quan trọng như tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình xóm giềng, tình bạn, tình yêu… thông qua những khái niệm: lòng tin, sự chân thành, trung thực, tự hào, tôn trọng, yêu quý, giúp đỡ ..v..v.

Đây mới là điều quan trọng. Khi bạn xác định được mục đích, hiểu được các giá trị này thì sẽ thấy cuộc đời đáng quý lắm. Không phải ai cũng thành vĩ nhân, chỉ cần bạn sống có ích, sống lương thiện cũng là đã tôn trọng cuộc đời. Chúng ta cũng cần dạy cho giới trẻ sống có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà cả với người thân, với cộng đồng. Các em cần hiểu rằng, các em sống trên đời không chỉ vì mình mà còn vì cha mẹ, vì bạn bè…

Theo các chuyên gia tư vấn, nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái trầm lặng là do bị rơi vào tình trạng cô đơn quá lâu. Các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ hoặc là bị bao bọc quá mức dẫn tới các em bị “triệt tiêu” nhu cầu của bản thân. Có tới 70% số ca trầm cảm không được phát hiện. Chỉ có 30% là được gia đình đưa đến viện khám.

Gia đình hãy là nơi ấm áp che chở cho mỗi thành viên. Là nơi giáo dục nhân cách, lối sống đúng đắn cho các em. Khi bạn trẻ cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, là cần cho mọi người thì bạn sẽ biết làm gì để sống tốt.