"Vui miệng, phóng tay" trên Facebook: Hậu quả khôn lường!

ANTD.VN - Hiện nay, thông tin trên không gian mạng được lan truyền nhanh chóng, rộng rãi mà không có sự kiểm duyệt. Vì thế, những trò đùa ác ý, thông tin sai sự thật không được kiểm chứng trên mạng xã hội với những nội dung giật gân, “câu like”... xảy ra gần đây đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. 

Nữ sinh ngủ dậy, hoảng hồn khi hay tin “mình đã chết”

Chiều 28-6, nữ sinh Trần Thị Mỹ Duyên (21 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) hoảng hồn sau khi ngủ dậy, nhận được hoàng loạt tin nhắn hỏi thăm, chia buồn vì sự ra đi đột ngột của mình. Lý do có sự việc trên là trên trang mạng xã hội lấy tên giả mạo “Công an Nghệ An Online” có đăng tải hình ảnh va chạm giao thông cùng với đám tang và trang mạng cá nhân của Duyên.

Nữ sinh ngủ dậy, hoảng hồn khi hay tin mình đã chết. Ảnh: Tuổi trẻ.

Theo Tuổi trẻ, Công an tỉnh Nghệ An không có bất kỳ trang mạng xã hội nào tên là “Công an Nghệ An online”. Vì thế, trang mạng trên là giả mạo và việc đăng tải nội dung là sai sự thật. Vụ việc trên không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của Duyên và gia đình.

Bỗng dưng trở thành tội phạm

Sự việc xảy ra vào đầu tháng 7-2017, khi trên một trang mạng xã hội đăng tải một thông tin gây chấn động dư luận: “CAH Tánh Linh, Bình Thuận, đang tạm giữ Nguyễn Thị Tuyết H và Nguyễn Thị Thu H để điều tra hành vi hiếp dâm nam thanh niên tên Vũ sinh năm 1992 cho tới chết. Tại cơ quan công an, cả hai thừa nhận hành vi của mình”.

2 nữ sinh bỗng nhiên trở thanh tội phạm sau bài đăng sai sự thật, bịa đặt trên mạng.

Thông tin ác ý trên đã khiến hai nữ sinh bị sốc, hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người ngoài và muốn tự tử. Tuy nhiên sau đó, cơ quan chức năng đã xác minh lại sự thật và trả lại sự trong sạch cho hai nữ sinh. Tuy vậy, vụ việc xảy ra đã ảnh ảnh rất lớn đến tinh thần của họ.

Cũng trong thời gian đó, một đoạn clip được tung lên mạng ghi lại cảnh một cô gái rửa chân trong xô nước dùng để pha trà đá cho khách đã khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên theo bà P.T.L - chủ quán trà đá, đây là trò đùa quái ác của nhân viên salon tóc gần đó. Cô gái này (nữ nhân viên của quán salon kia), đã xin bà L được pha nước, rót cho khách và tự dàn dựng, quay clip để “câu like”.

Hình ảnh dàn dựng để "câu like" của nhóm nhân viên salon tóc gây phẫn nộ dư luận

Tung tin đồn nhảm về virus Ebola

Vào ngày 11-8-2014, trên mạng xã hội facbook lan truyền thông tin “Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola tại bệnh viện Bạch Mai” đã gây hoang mang cho dư luận. Ngay sau đó, vào ngày 13-8-2014, công an TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an đã xác minh được danh tính hai đối tượng phát tán thông tin thất thiệt trên là Vũ Hương Thảo (SN 1991, trú tại Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nghiêm Thùy Trang (SN 1984, trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bài đăng lan truyền thông tin sai sự thật về virus Ebola của Thảo và Trang đã làm cho người dân lo lắng, hoảng sợ. Ảnh: Facebook của một cá nhân

Sau tin đồn thất thiệt trên, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã phải đính chính lại thông tin để trấn an tinh thần người dân, không tin vào lời bịa đặt mà hoang mang, lo sợ.

Thời đại mạng xã hội, nhất là facebook phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tốc độ like, chia sẻ thông tin diễn ra rất nhanh chóng. Những trò đùa quái ác với thông tin sai sự thật, bịa đặt không những gây phiền toái cho bản thân mà còn gây thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, vật chất của rất nhiều người. Người dùng mạng cần hết sức tỉnh táo, cân nhắc, sàng lọc trước bất cứ thông tin nào.