Vụ xe Camry đâm chết 3 người: Đau xót vì thói vô cảm của con người

ANTĐ - Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra sáng 29-2-2016 tại đường Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, khiến nhiều người bàng hoàn, xôn xao dư luận. Khoan bàn tới những chuyện đúng - sai trong sự việc, câu chuyện đau lòng là thái độ dửng dưng của một số người trước đề nghị cứu giúp nạn nhân. Đôi khi thói vô cảm đến tàn nhẫn của con người còn đáng sợ chẳng kém gì hành động cẩu thả của những kẻ “quái xế” gây ra tai nạn.

Cô K.L, giáo viên trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) – người đã cố gắng đưa học sinh của mình là cháu Trần Gia Hân đến bệnh viện cấp cứu và chứng kiến cháu tử vong, đã có những chia sẻ ngậm ngùi trên trang facebook cá nhân, bày tỏ sự phẫn nộ, đau đớn, vì những trái tim quá vô cảm.

“Mọi người chặn được một chiếc taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát", cô giáo K.L chia sẻ.

Đến khi xe của công an phường đến, cô giáo đề nghị các chiến sỹ công an đưa cháu bé đi cấp cứu, mọi người đặt cháu xuống lòng xe tải, hai bên có ghế, riêng cô K.L do có bệnh huyết áp cao nên lên cabin ngồi nhưng khi quay lại phía sau thấy cháu bé nằm một mình giữa lòng xe tải nên một lần nữa, cô lại nhờ mọi người có mặt lên xe ngồi với cháu bé nhưng không được.

Những chia sẻ của cô K.L chỉ sau vài giờ đăng tải đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông. Người ta không thôi chỉ trích, phẫn nộ và bày tỏ những lo ngại về thói "vô cảm hơn cả động vật" của một bộ phận người trong xã hội hiện nay.

Hiện trường vụ tai nạn tại đường Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên

Vì đâu nhiều người thờ ơ trước thảm cảnh cần cứu giúp?

Cuộc sống hiện đại, đặc biệt là nơi thị thành, dường như khiến con người ta ngày càng sống vội hơn. Người Việt xưa sống với đạo lí “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Còn nay, có lẽ nhiều người đã chuyển thành "một con ngựa đau, cả tàu hãy bỏ chạy thật nhanh kẻo phiền hà".

“Em lấy điện thoại ra quay thì bị đạp rơi, hình ảnh em ghi lại em xóa rồi, em sợ phiền phức”, một nam thanh niên chứng kiến vụ tai nạn cho biết. Vậy là vì hai chữ “phiền phức”, nhân chứng trên đã tự hủy bỏ đi chút bằng chứng quý giá, mà chẳng cần suy xét rằng người ta có cần đến nó để tìm lại sự công bằng cho những người xấu số đáng thương kia hay không.

“Phiền phức” chính là lí do khiến rất nhiều người, trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã “sợ” cứu giúp khi chứng kiến người bị nạn. Điều đáng sợ là ngày nay, người ta luôn cảm thấy "phiền phức" vì thật nhiều lý do.

Một facebooker có tên Minh Hải chia sẻ: “Mình chưa tham gia để giúp ai bao giờ nhưng mình thấy nhiều trường hợp, người ta giúp nhưng mà bị vạ lây theo. Có trường hợp đưa bệnh nhân vào bệnh viện nhưng đến khi người nhà đến, chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào nhưng đã nghĩ người ta là người gây tai nạn cho nạn nhân và người ta xông vào đánh đập người đấy!” Đó cũng là tâm lí chung của nhiều người tham gia giao thông khác.

Không chỉ ngại gia đình nạn nhân hiểu lầm, ngại phải trở thành nhân chứng trả lời cơ quan chức năng mà nhiều người còn có tâm lý sợ “đen đủi”. Nhiều trường hợp, người tham gia giao thông muốn giúp đỡ, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, nhờ ai trông giữ xe, tài sản cho bản thân và nạn nhân để đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Bởi trên thực tế, có những đối tượng sẵn sàng lợi dụng lúc hỗn loạn để ăn cắp tài sản của nạn nhân và những người xung quanh.

Một trong những lý do khác khiến người tham gia giao thông không sẵn sàng trợ giúp nạn nhân gặp tai nạn là do đa phần mọi người còn thiếu những kỹ năng sơ cứu, kỹ năng xử lý trong những tình huống khẩn cấp nên không biết cấp cứu nạn nhân như thế nào. Bên cạnh đó là tâm lí băn khoăn việc nạn nhân có mắc bệnh truyền nhiễm, sợ bị lây bệnh từ máu của nạn nhân,…

Tất cả những e ngại đó, cùng một cái tặc lưỡi cho qua, đã tạo nên sự vô cảm trong hành động của không ít người đi đường, vô tình cướp đi hi vọng sống mong manh của những nạn nhân xấu số.

Mọi lý do đều là ngụy biện cho sự vô cảm

Nỗi e sợ những cái gọi là “phiền phức” ấy, suy cho cùng là xuất phát từ sự ích kỳ của nhiều người.

Thật buồn khi thực tế cho thấy, người ta có thể dành hàng giờ online, bàn luận, khóc thương cho những vấn đề trên thế giới ảo, thế nhưng lại ngại bỏ ra một giờ để cứu giúp con người khốn khó bằng da bằng thịt ngay trước mặt. Có thể viết những dòng trạng thái dài, tranh luận không ngừng nghỉ cho một chủ đề mình quan tâm, nhưng lại ngại viết một bản tường trình rõ ràng trước cơ quan chức năng khi giúp đỡ người khác,…

Hơn thế nữa, theo Luật Giao thông đường bộ, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

Tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Có thể nói, mọi lí do đưa ra chỉ là ngụy biện! Sự vô cảm của mỗi người khi đứng trước người bị nạn cần giúp đỡ, không chỉ vi phạm luật pháp, mà còn là hành vi cẩu thả trong lương tâm, trong nhân cách con người. Và nếu gặp người bị nạn, cần giúp đỡ, thì khi bản thân không may gặp nạn, ai sẽ giúp ta hay người thân của chúng ta?