Vu khống người khác xử lý thế nào?
Hỏi: Một người gửi thư nặc danh đến gia đình tôi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự của tôi. Tôi biết người đó là ai và nói sẽ đem lá thư đó tới công an thì họ nhắn tin gọi điện xin lỗi tôi. Tuy nhiên, một thời gian sau sự việc lại tái diễn. Tôi muốn đưa vụ việc ra trước pháp luật thì phải làm thế nào?
Nguyễn Trọng Kiên
(TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên)
Trả lời: Quy định tại điểm a, khoản 1, điều 122 - Bộ luật Hình sự năm 2000 quy định rất rõ về tội vu khống: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an về hành vi bịa đặt, xúc phạm của người kia đối với bạn. Đồng thời, bạn cũng gửi kèm theo các tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi của họ: cung cấp tên tuổi, địa chỉ, tin nhắn, ghi âm, thư nặc danh…
Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ. Nếu xét thấy hành vi nêu trên có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; các vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Bùi Sinh Quyền
(VPLS Phúc Thọ - 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)