Vụ chẩn đoán sai khiến bé 10 tuổi tử vong: Giám đốc bệnh viện thừa nhận bác sĩ chuyên môn hạn chế

ANTD.VN - Liên quan đến vụ Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Vân Đình chẩn đoán sai khiến bé trai 10 tuổi tử vong, BSCKII Nguyễn Văn Đông, Giám đốc bệnh viện này thẳng thắn thừa nhận: Đúng là bác sĩ có hạn chế về chuyên môn, lại giải thích không đến nơi đến chốn…

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình

Như Báo ANTĐ đã đưa tin sáng 25-6, gia đình chị Mai Thị Th. P. (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hóa, Hà Nội) bức xúc phản ánh về trường hợp con trai của chị là bé T.H.M. (10 tuổi) vừa tử vong tức tưởi do sự tắc trách của vị bác sĩ Trưởng khoa Nhi ở Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội). Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện này để làm rõ thông tin này.

- Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đã nhận được phản ánh, khiếu nại của gia đình chị P. về trường hợp bé T.H.M tử vong hay chưa? Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vụ việc này?

- BSCKII Nguyễn Văn Đông: Bệnh nhi T.H.M. được người nhà đưa vào bệnh viện khám trưa 22-5 do có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng. Bác sĩ trực ở phòng khám cấp cứu chỉ định xét nghiệm máu, chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và cho chuyển vào khoa Nhi điều trị.

Tại khoa Nhi, bác sĩ thăm khám lại và cũng đồng tình với chẩn đoán trước đó là bệnh nhi M. bị rối loạn tiêu hóa. Sau đó, bác sĩ cho bệnh nhân truyền dịch 30 giọt/ phút, uống men tiêu hóa và chỉ định làm thêm một số xét nghiệm.

Đến 16h chiều cùng ngày, khi có kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Hữu Văn – Trưởng khoa Nhi của bệnh viện trực tiếp khám cho bệnh nhân, nhận thấy trên hình ảnh lâm sàng có viêm đường mật, viêm phổi trên rối loạn tiêu hóa. Vì thế, bác sĩ cho y lệnh truyền kháng sinh.

Lúc này bệnh nhi T.H.M vẫn có nôn, tuy nôn thưa hơn nhưng lại có dịch mật. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhi uống thuốc chống nôn, men tiêu hóa, kháng sinh.

Rạng sáng 24-5 (sau hơn 1 ngày điều trị), tình trạng của bệnh nhi M. không tiến triển, vẫn nôn, mệt hơn. Bác sĩ khám lại và có trao đổi với người nhà bệnh nhân rằng cho chuyển lên tuyến trên và gia đình bệnh nhân cũng đồng tình.

- Theo phản ánh của gia đình bệnh nhân T.H.M thì khi thấy bé M. diễn biến nặng, gia đình đã xin được chuyển viện lên tuyến trên nhưng bác sĩ Nguyễn Hữu Văn đã gây khó dễ, không cho chuyển tuyến. Khi gia đình kiên quyết đòi chuyển tuyến thì bệnh viện mới chịu chuyển, lúc này bé đã diễn biến nặng? Vậy thực hư thông tin này ra sao?

Đúng là bệnh viện có tiếp nhận được phản ánh từ phía gia đình bệnh nhi T.H.M rằng phía gia đình xin chuyển tuyến nhưng bác sĩ không cho đi, nhưng theo báo cáo của bác sĩ thì không có chuyện đó. Câu chuyện ở chỗ này là giữa gia đình bệnh nhân và thầy thuốc có sự không hiểu ý nhau.

Tức là, theo quy trình, với điều trị bệnh nhân nhi, bác sĩ của bệnh viện khi cho bệnh nhân nặng chuyển tuyến thì sẽ chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – đó là bệnh viện tuyến đầu của thành phố và là đơn vị chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Chỉ trừ trường hợp thực sự nguy kịch thì mới chuyển thẳng ra Bệnh viện Nhi Trung ương và khi chuyển thì phải gọi điện báo trước.

Ở trường hợp này, gia đình cháu M. muốn xin chuyển thẳng ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, bác sĩ trên cơ sở xem xét tình trạng của bệnh nhân thì nhận định là tình trạng của bé M. chưa cần chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương mà chuyển ra Bệnh viện Xanh Pôn.

Chúng tôi nghĩ rằng gia đình bệnh nhân phản ánh cũng có đúng, có sai. Không phải là bác sĩ không cho bệnh nhân chuyển tuyến mà là giữa gia đình và bác sĩ không hiểu nhau. Vấn đề là bác sĩ giải thích không rõ dẫn đến gia đình bệnh nhân không hiểu và bức xúc.

Theo chính gia đình phản ánh lại thì bác sĩ Văn có nói “nếu gia đình vẫn quyết tâm đưa bé chuyển ra Nhi Trung ương thì chúng tôi cũng nhất trí cho đi. Nhưng ra đó nếu bệnh viện thấy nhẹ không nhận đúng tuyến, không thanh toán BHYT đúng tuyến thì gia đình phải chịu”.

Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)

- Như ông nói, bác sĩ không cho chuyển bệnh nhi tới Bệnh viện Nhi Trung ương vì cho rằng tình trạng của bệnh nhân chưa nặng. Thế nhưng khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi lại được chẩn đoán viêm cơ tim nặng (không phải rối loạn tiêu hóa như tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình) và sau đó không qua khỏi. Vậy rõ ràng bác sĩ đã chẩn đoán sai và chỉ định chuyển tuyến không kịp thời?

Theo thông tin chúng tôi nắm được thì khi ra đến Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng của bé T.H.M nặng lên, được chẩn đoán viêm cơ tim.

Phải nói rằng, biểu hiện của bệnh viêm cơ tim rất nghèo nàn, chẩn đoán chính xác rất khó, đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Ở đơn vị bệnh viện tuyến huyện như chúng tôi, kinh nghiệm trong chẩn đoán các ca bệnh này là chưa nhiều vì rất ít gặp.

Cũng phải nói thẳng rằng chuyên môn của bác sĩ tuyến huyện với các bệnh lý này còn hạn chế. Chuyên môn hạn chế, kinh nghiệm chưa có dẫn đến tiên lượng bệnh chưa lường hết được diễn biến nguy hiểm của nó.

Sau khi bệnh nhi qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bố cháu có về bệnh viện phản ánh lại với chúng tôi, gia đình cũng bức xúc. Chúng tôi đã đến chia buồn với gia đình cháu bé. Ban lãnh đạo bệnh viện và sau đó là cán bộ của khoa đã đến thắp hương, chia sẻ với gia đình.

Trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, bệnh viện cũng có hẹn ngày làm việc với gia đình người bệnh để giải thích, trao đổi rõ hơn và chia sẻ với mất mát của gia đình. Nguyện vọng của gia đình cũng mong muốn như thế.

Thầy thuốc không bao giờ mong muốn điều trị thất bại, nhưng có những tình huống hoặc bệnh không ai ngờ thì bác sĩ rất mong bệnh nhân và người nhà chia sẻ.

Vậy hướng xử lý tiếp theo của Bệnh viện với bác sĩ và các cán bộ y tế có liên quan đến trường hợp này ra sao, thưa ông?

Chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn bệnh viện để họp xem xét, đánh giá kỹ hồ sơ bệnh án, căn cứ lời tường trình của bác sĩ và phản ánh của người nhà bệnh nhân. Từ đó chỉ ra lỗi tại đâu, sai sót tại khâu nào, quy tắc ứng xử của nhân viên ra sao… trên cơ sở ấy sẽ xử lý theo quy định.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Văn là Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa nhi, là Trưởng khoa Nhi của bệnh viện, đã có gần 30 năm công tác tại bệnh viện. Tuy nhiên, những trường hợp viêm cơ tim gặp ở bệnh viện tuyến chúng tôi rất ít, hiếm gặp nên chúng tôi không có kinh nghiệm, nói thẳng rằng chuyên môn có hạn chế. Trong trường hợp này, bác sĩ cũng đã giải thích không đến nơi đến chốn về việc chuyển viện cho gia đình người bệnh.

Hiện bệnh viện đã họp Hội đồng thi đua và xem xét trường hợp của bác sĩ Nguyễn Hữu Văn. Chắc chắn sẽ có kỷ luật về mặt đảng, chính quyền. Về mặt thi đua, bác sĩ này sẽ bị hạ thi đua, chắc chắn sẽ bị chậm lên lương.

Cảm ơn ông!