Vụ 5 nhân viên y tế của BVĐK Hà Nam bị bắt: Thu tiền "chui" của bệnh nhân có thể bị phạt tù tới 20 năm

ANTD.VN -Mới đây, 5 nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đã bị lực lượng công an bắt quả tang về hành vi thu tiền của bệnh nhân sai quy định nhằm trục lợi cá nhân. Theo các Luật sư, với hành vi này, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng phạm tội có thể phải ngồi tù tới 20 năm.

Ngày 29-3, 4 bệnh nhân đến Phòng khám của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam gặp bác sỹ Trương Thị Phương Lan, Phó trưởng Khoa khám bệnh để nhờ khám.

Sau khi thăm khám, BS Lan yêu cầu (bằng miệng) cho 4 bệnh nhân này đi chụp cộng hưởng từ. Toàn bộ tiền phí chụp là 6,8 triệu đồng bệnh nhân đưa trực tiếp cho bác sĩ, không có hóa đơn.

Cùng thực hiện hành vi thu phí sai quy định ngoài bác sỹ Lan còn có các nhân viên y tế khác trợ giúp như bác sỹ Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh;  kỹ thuật viên trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh; kỹ thuật viên là nhân viên hợp đồng Khoa Chuẩn đoán hình ảnh...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam - nơi xảy ra sự việc

Việc làm sai quy định trên đã bị lực lượng công an bắt quả tang. Hiện những nhân viên y tế này đã bị tạm giữ do lạm dụng quyền trong thi hành công vụ. 

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng sai phạm của 5 nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hà Nam không chỉ gây mất lòng tin của người dân vào các cơ sở khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Bệnh viện.

Các đối tượng trong vụ việc này là những người có chức vụ quyền hạn được Bệnh viện được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân theo chức năng công việc của mình. Song do vì vụ lợi, họ đã vượt quá quyền hạn, thu tiền “chui” của bệnh nhân gây thiệt hại cho Bệnh viện. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 357 BLHS 2015.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 1-7 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; 2 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500-dưới 1.5 tỷ đồng, thì bị phạt tù từ 10-15 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, dấu hiệu pháp lý của tội danh này là người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách. Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hành vi nàu còn có thể gây ra những hậu quả khác…

Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Tức là, họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Chủ thể của tội phạm này là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ quyền hạn thực hiện công vụ.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Do đó, hậu quả của tội này là dấu hiệu bắt buộc. Để có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng cần làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền của Bệnh viện phải từ 10 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Trở lại với vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, theo thông tin ban đầu, vào thời điểm bị bắt quả tang, các đối tượng nhận tiền của 4 bệnh nhân với số tiền 6,8 triệu đồng. Nếu cơ quan điều tra xác định được các đối tượng đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của bệnh nhân với tổng số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với số tiền đã chiếm đoạt.