Vô tình mua phải tài sản trộm cắp thì không phạm tội

ANTD.VN - Hỏi: Bố tôi mua được một cái chuông đồng cổ với giá trị tương đối lớn mà không biết đó là đồ trộm cắp. Đến khi công an bắt được đối tượng trộm chuông, đã mời bố tôi lên làm việc. Liệu bố tôi có phạm tội và có bị xử lý gì không? Hoàng Hữu Hà (Hà Nam)

Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng;  Địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời:

Tại khoản 1, Điều 138 - BLDS 2015 về “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” quy định: “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này”.

Còn tại Điều 257 về “Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình”, chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Theo Điều 137 quy định về “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Từ căn cứ pháp lý và tình huống của bố bạn nêu trên cho thấy bố bạn đã mua chiếc chuông theo giá thỏa thuận và không biết chiếc chuông này là tài sản trộm cắp. Chiếc chuông là động sản không đăng ký quyền sở hữu nên trong trường hợp này bố bạn là người thứ ba ngay tình.

Do đó, giao dịch của bố bạn với người trộm cắp chiếc chuông bị vô hiệu. Chiếc chuông sẽ phải được trả lại cho người sở hữu nó. Còn người trộm cắp sẽ chịu trách nhiệm pháp lý và trả lại số tiền cho bố bạn. Bố bạn không có lỗi trong trường hợp này. Khi làm việc với cơ quan công an, bố bạn chỉ cần khai đúng sự thật và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định hiện hành trong việc xét hỏi những người liên quan đến vụ án.

Còn việc định giá chiếc chuông không phải do các bên mua bán tự định giá mà để có thể xác định giá trị tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có kết quả định giá tài sản của cơ quan định giá có thẩm quyền.