Vỡ mộng đổi đời

ANTD.VN - Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội bị rủ rê, lôi kéo vượt biên trái phép tìm kiếm công việc lao động hy vọng với mức lương cao sẽ đổi đời. Tuy nhiên, ngoài việc vi phạm pháp luật, trong quá trình lao động, nhiều người cũng đã tự mình rước họa vào thân với những thứ bệnh khó chữa… 

Hệ lụy của đồng tiền

Huyện Ba Vì có 31 xã và thị trấn, qua thống kê, từ năm 2012 đến nay, số công dân sống trên địa bàn huyện xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn lên tới gần 1.200 người. Những người này xuất cảnh trái phép bằng cách sử dụng giấy thông hành, hộ chiếu du lịch và chủ yếu là do các đối tượng “cò” đưa vượt biên qua sông. Theo thống kê của CAH Ba Vì thì số người vượt biên trái phép thuộc 26/31 xã, trong đó nhiều nhất là xã Ba Vì (339 người), xã Ba Trại (243 người), xã Minh Quang (115 người)…. 

Theo đoàn công tác CAH Ba Vì xuống địa bàn xã Ba Vì, sau khi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đoàn công tác nán lại thôn Yên Sơn. Lúc này, trời cũng nhập nhoạng tối, nhưng tại sân nhà văn hóa của thôn, gần 20 người, cả già lẫn trẻ vẫn đang rộn rã vui cười cùng chơi môn bóng hơi (thể thức giống như chơi bóng chuyền).

Tuy nhiên, trong số người ấy, tuyệt nhiên không thấy một nam giới. Qua câu chuyện, bà Xoan (70 tuổi) cho biết, ở đây mùa này phụ nữ không phải làm gì, cứ chiều chiều lại ra sân nhà văn hóa thôn chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe. Người dân ở xã Ba Vì chủ yếu sống bằng nghề thuốc Nam, trồng và hái măng trên rừng đem bán chứ không có ruộng cấy lúa. Những năm gần đây, thu hoạch từ nghề hái măng không hiệu quả nên nhiều người đã bỏ xã, vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê, còn những người có nghề bán thuốc thì vẫn duy trì. Do vậy, trong thôn chẳng có mấy người.

Trung úy Đinh Công Quân, cán bộ CAH Ba Vì phụ trách địa bàn xã Ba Vì cho biết, những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, người Dao nơi đây đã xóa dần cuộc sống du canh, du cư để ổn định và phát triển kinh tế. Trước kia, người Dao Ba Vì có phong tục bốc thuốc cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy thuốc tạ ơn tổ tiên bằng sản phẩm nông nghiệp. Với họ, việc chữa bệnh phải lấy cái tâm làm gốc. Chính từ cách ứng xử như vậy mà các thầy thuốc ở đây đã thực sự trở thành những người được kính trọng, không chỉ bởi kinh nghiệm trong việc chữa bệnh mà còn ở hành động mang tính cộng đồng sâu sắc. 

Tuy nhiên, trong số các gia đình có nghề bốc thuốc, nhiều người cũng đã trở nên giàu có. Chỉ về ngôi nhà 3 tầng đang xây với diện tích cả trăm mét vuông, chị Lý Thị Quỳnh (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) cho biết, đấy là nhà của thầy lang Lăng Văn Doanh đang xây. Gia đình lang Doanh làm nghề bốc thuốc, mấy năm gần đây, những thông tin trên mạng cũng được đẩy mạnh, qua đó nhiều người biết đến nên cũng tìm đến cắt thuốc, một phần họ cũng có mối giao bán nên kinh tế gia đình rất khá giả. Nhưng không phải gia đình nào cũng được như vậy, nếu làm nghề bốc thuốc chưa có tên tuổi thì phải mang đi khắp nơi bán. Bởi là thuốc nên cũng rất khó bán, vì đi đến đâu, người mua mới gặp lần đầu nên chưa thể tin ngay. Chỉ khi đến lần gặp thứ hai, thứ ba họ mới mua. Dần dần thấy tốt họ mới mua nhiều và mách cho người khác cùng mua. Còn đối với những gia đình không làm nghề bốc thuốc, hết vụ thu hoạch măng là lại rủ nhau vượt biên đi làm thuê. Có những gia đình cả vợ cả chồng cũng bỏ quê để đi.

Như chứng minh lời mình nói, chị Quỳnh chỉ cho tôi ngôi nhà cấp 4 vừa mới được xây nhưng nhiều thứ vẫn còn dang dở. Trong căn nhà rộng chừng 20m2, ngoài chiếc tivi được anh Lò Văn Quý (SN 1984, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì) để ngay ngắn trên tấm ván kê chắc chắn, thì trong nhà cũng chỉ có 2 chiếc giường và bộ bàn ghế nhựa. Anh Quý cho biết, anh và vợ là chị Triệu Thị Thanh Lý (SN 1987) vừa mới đi làm thuê trở về địa phương. Anh Quý quê gốc Sơn La, sau khi gặp chị Lý hai người đã bén duyên và anh Quý không ngần ngại theo chị Lý về ở rể. Cả hai chỉ lao động phổ thông, về đây không biết làm gì, qua người quen ở Phú Thọ, họ rủ hai vợ chồng anh Quý vượt biên trái phép sang bên kia biên giới làm thuê.

Theo anh Quý, cả hai vợ chồng sang bên đấy chủ yếu làm nghề hoa giả, mỗi tháng hai vợ chồng chắt bóp chi tiêu cũng tiết kiệm được hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, nghề làm hoa tưởng công việc nhẹ nhàng nhưng cũng rất vất vả. Từ khâu nhuộm màu, hay cắt tỉa… cũng đều làm thủ công, phải tiếp xúc đủ thứ hóa chất, nhiều lúc làm sai, do bất đồng ngôn ngữ, bị chủ chửi họ cũng chỉ biết im lặng. Thế nhưng, so với nhiều lao động khác, công việc của vợ chồng Quý cũng đã gọi là nhàn. Nhiều người sang bên kia, không có chỗ làm, đi ra ngoài lang thang làm thuê tiền vừa thấp vừa bị chủ quỵt tiền chẳng biết kêu ai.

Trong khi đó, nhiều công việc độc hại, hay nặng nhọc họ không làm thì mới phải thuê như làm nghề gỗ, chế biến cá, làm nhựa, giày dép, chế biến hoa quả, trong đó có công đoạn ngâm tẩm hóa chất. Anh Quý cho biết, có những người dân của mình sang đó quen lao động chân tay, tiếp xúc với hóa chất không sử dụng bảo hộ lao động đã mắc những bệnh lở loét chữa mãi chẳng khỏi. Khi họ phát hiện bị bệnh là đuổi việc, không có tiền thì lại về, thế là tiền mất tật mang.

Vỡ mộng đổi đời ảnh 2Tổ công tác CAH Ba Vì kiểm tra địa bàn, tuyên truyền pháp luật cho người dân địa phương

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cùng cảnh với gia đình anh Quý là gia đình anh Lý Hữu Đạt (SN 1989, ở xã Ba Vì), hai vợ chồng cũng qua môi giới, mỗi người mất vài triệu đồng để được đưa ra cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh rồi xuống thuyền vượt biên trái phép sang bên kia biên giới làm thuê cho một công ty chuyên về giày dép. Thế nhưng, do áp lực công việc, anh Đạt làm được một thời gian thì bị bệnh thoát vị bẹn phải về quê để điều trị. Sau khi tiến hành ca phẫu thuật, hiện giờ sức khỏe của Đạt cũng đã ổn định. Tuy nhiên, để có tiền trang trải cho cuộc sống thì vợ Đạt vẫn bám trụ ở nước người làm thuê. “Vợ chồng trẻ nhưng phải sống xa nhau cũng buồn lắm, nhất là mình cũng hiểu được cảnh vất vả khó khăn khi ở bên đó như thế nào. Nhưng cũng phải chấp nhận biết làm thế nào”, anh Đạt chia sẻ.

Thượng tá Đỗ Văn Vượng, Phó trưởng CAH Ba Vì cho biết, từ năm 2013 đến nay, một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn huyện đã xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới để lao động. Hiện tượng này ngày càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh tế khó khăn, bên cạnh đó lại được sự dẫn dắt, giới thiệu của một số đối tượng là người Việt Nam có thời gian làm việc bên nước ngoài có trong tay một số đầu mối lấy người Việt Nam sang lao động.

Qua nắm bắt tình hình những công dân này cũng đã được cơ quan chức năng liệt kê danh sách để nắm bắt tình hình. Quá trình xuất cảnh trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm khi họ di chuyển lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu Tân Thanh hoặc đưa về cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đối với những trường hợp không có hộ chiếu, giấy thông hành thì được đưa qua đường mòn (ở khu vực  gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn) hay vượt sông KaLong (Móng Cái, Quảng Ninh). Mỗi trường hợp đưa sang bên kia biên giới phải nộp cho môi giới từ 4-6 triệu đồng, nếu không có tiền thì sẽ bị trừ vào tháng lương đầu tiên. Do mức lương họ trả cao hơn so với lao động ở nhà (bình quân từ 7-9 triệu đồng) nên các lao động làm việc ít nhất cũng phải 10h/ngày.

“Nhận định tình hình trong khoảng thời gian tới, tình trạng xuất cảnh trái phép vẫn còn diễn ra, tuy nhiên không nổi cộm như những năm trước, Ban chỉ huy CAH cũng đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND huyện và các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân. Đồng thời, tham mưu để thành phố có hướng đưa dự án, nhà máy về tạo công ăn việc làm. Bên cạnh đó, công tác bám sát địa bàn nắm tình hình cũng được Ban chỉ huy CAH giao cho các đội nghiệp vụ, CBCS phụ trách địa bàn luôn chủ động, báo cáo khi có những diễn biến mới. Thời gian qua, qua công tác tuyên truyền vận động, số người xuất cảnh trái phép đi lao động đã giảm hẳn và có chiều hướng quay về địa phương để lao động”, Thượng tá Đỗ Văn Vượng cho biết.

“Nhiều người dân sống trên địa bàn xã do không có nghề, không công ăn việc làm nên đã tìm mọi cách xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động. Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2015 có khoảng hơn 200 người, năm 2016 số lượng đã giảm chỉ còn khoảng hơn 100 người. Nhiều người sau khi được tuyên truyền, vận động cũng đã trở về địa phương lao động. Tuy nhiên, để tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, chính quyền xã rất mong được sự hỗ trợ của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, để người dân được học nghề có hướng tìm việc làm, ổn định mới có thể giảm thiểu việc xuất cảnh trái phép”.

Ông Dương Trung Liên (Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì)