Vờ làm quen để cắt trộm tóc, phạm tội gì?

ANTD.VN - Ngày 4-9-2016, chị Nông Thị Phúc (32 tuổi), quê huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đi làm thuê cho một trang trại ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. 

Nội dung vụ việc

Sau khi hết giờ làm việc, chị đứng đợi vẫy xe khách về nhà. Đường trưa vắng, chị Nông Thị Phúc đang đứng một mình đợi xe qua thì có một chiếc xe máy do một người đàn ông trẻ tuổi chở một người đàn bà trung niên tới. Người đàn bà nhanh chóng bước xuống xe đứng cạnh chị Phúc rồi bắt chuyện sẽ đi cùng chị trên chuyến xe về huyện Cao Lộc và giới thiệu người đàn ông đi cùng là em họ và bảo anh ta nán lại ít phút chờ hai người lên xe thì hãy ra về.

Không chút nghi ngờ, chị Phúc cũng vui vẻ trò chuyện đáp lại. Người đàn bà lạ mặt ngắm chị Phúc rồi khen chị có mái tóc dài suôn mượt, óng ả và đẹp hiếm có. Nói rồi, bà ta đưa tay vuốt mái tóc chị, bỗng chị nghe xoẹt một tiếng sắc ngọt, chưa kịp định thần thì đã thấy đầu mình nhẹ bẫng, mái tóc dài, nuôi bao lâu nay đã bị cắt. Sự việc xảy ra quá nhanh, chị Phúc chưa kịp phản ứng thì người đàn bà trung niên đã lên xe phóng đi. Sau đó chị Nông Thị Phúc đã đến cơ quan công an trình báo.

Vấn đề cần tranh luận là hành vi cắt tóc khi không được sự đồng ý của nạn nhân đã phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc 

Tội cố ý gây thương tích

Tôi cho rằng đối tượng cắt tóc của chị Nông Thị Phúc đã phạm vào tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự.

Mái tóc là một phần bộ phận thân thể của con người từ lúc được sinh ra, cũng giống như những bộ phận cơ thể khác, mái tóc cũng cần phải được gìn giữ và bảo vệ. Con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Việc lợi dụng sự mất cảnh giác của chị Nông Thị Phúc để cắt đi mái tóc của chị khi chưa được sự cho phép của nạn nhân là hành vi đã xâm phạm trái phép đến thân thể, sức khỏe của người khác. Hành vi này cần phải được nghiêm trị theo pháp luật.  

       Vũ Quốc Hà (TP Yên Bái - Yên Bái)

Tội cướp giật tài sản

Theo như nội dung vụ việc, tôi cho rằng các đối tượng đã có hành vi cướp giật mái tóc của chị Nông Thị Phúc. Mặc dù hai đối tượng được nhắc đến trong vụ việc không dùng vũ lực uy hiếp chị Phúc để cắt tóc của chị, song lợi dụng sự mất cảnh giác của nạn nhân, các đối tượng đã ra tay cắt tóc của chị Phúc rồi bỏ chạy khiến nạn nhân không kịp trở tay.

Các đối tượng cắt tóc của chị Nông Thị Phúc đều hiểu rằng, mái tóc của chị Phúc sau khi bị cắt có thể được đem bán để làm tóc giả hoặc sử dụng vào những mục đích khác có thể đem lại lợi nhuận.

Do đó chắc chắn chúng có sự bàn bạc, lên kế hoạch từ trước, khi gặp chị Phúc đứng một mình đã ra tay thực hiện. Điều này được thể hiện bằng việc đối tượng nữ đã vờ làm quen, tiếp cận với nạn nhân trong khi đối tượng nam vẫn đứng ở xe máy để chờ đối tượng nữ ra tay. Do đó tôi cho rằng có đủ căn cứ để khẳng định các đối tượng này đã phạm vào tội cướp giật tài sản. 

Nguyễn Thị Tươi (Bố Trạch - Quảng Bình)

Tội làm nhục người khác

Hành vi của các đối tượng cắt tóc của chị Nông Thị Phúc đã phạm vào tội làm nhục người khác theo Điều 121, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, hành vi làm nhục người khác được thể hiện qua sự xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác không chỉ thể hiện dưới bằng lời nói như sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… mà còn được thể hiện bằng những việc làm nhằm hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác...

Người ta thường nói “hàm răng mái tóc là góc con người”, mái tóc thường thể hiện vẻ đẹp của con người, do đó trong vụ việc này, tôi cho rằng việc cắt tóc của chị Nông Thị Phúc cũng là một hành vi nhằm để bôi xấu, hạ nhục chị Phúc, vì vậy các đối tượng cần phải bị xử lý về hành vi làm nhục người khác.

Phạm Văn Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương)

 Bình luận của luật sư 

Theo quy định của pháp luật, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tội phạm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể người khác được quy định trong Bộ luật Hình sự, cụ thể là tại Điều 104, Bộ luật Hình sự hiện hành.

Về mặt khách quan tội cố ý gây thương tích được thể hiện ở hành vi của tội phạm (gây nguy hiểm cho xã hội, trái luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác), công cụ phương tiện sử dụng, vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công và hậu quả của tội phạm.

Trong vụ việc này, để đánh giá hành vi các đối tượng cắt mái tóc của chị Nông Thị Phúc có phải là hành vi cố ý gây thương tích hay không, cần phải xem xét các yếu tố về mặt khách quan của tội phạm.

Như ta đã biết, mái tóc là một bộ phận của cơ thể con người, tuy nhiên, nếu buộc hành vi của kẻ cắt tóc mà không được sự đồng ý cho phép của nạn nhân là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thì cũng không có căn cứ bởi theo Bộ luật Hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có quy định nào về tỷ lệ thương tật đối với việc mái tóc bị cắt.

Việc xâm hại mái tóc (kể cả khi mái tóc bị cắt trụi có ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ) nếu không gây sây sát, tổn thương đến cơ thể thì tỉ lệ tổn hại sức khỏe trong trường hợp này vẫn là 0%.

Nói cách khác, hậu quả của tội phạm trong trường hợp này đã không cấu thành tội phạm. Do đó không thể xác định hành vi cắt tóc mà không được sự đồng ý của chị Nông Thị Phúc là hành vi cố ý gây thương tích.

Có quan điểm cho rằng hành vi của các đối tượng cắt tóc chị Nông Thị Phúc có thể cấu thành tội làm nhục người khác. Làm nhục người khác, được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Tội làm nhục người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người, có thể thực hiện công khai trước mắt người đó hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân.

Sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác phải là các hành vi phải gây ra ảnh hưởng xấu ở mức độ nhất định đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại (như lột trần truồng người bị hại ở chỗ đông người, cạo đầu bôi vôi phụ nữ…) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí và môi trường xung quanh; vị thế, vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức cũng như trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi lăng nhục đó.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại, để thỏa mãn thú vui xác thịt…

Trong vụ việc này, căn cứ vào mặt chủ quan và khách quan của tội phạm có thể thấy, những đối tượng cắt tóc của chị Nông Thị Phúc chỉ phạm vào tội làm nhục người khác khi có động cơ, mục đích bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm cho nạn nhân bị sỉ nhục.

Ở đây, mục đích của các đối tượng là cắt tóc của chị Nông Thị Phúc là nhằm trục lợi chứ không có ý đồ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Do đó, không có cở sở để khẳng định những đối tượng này đã phạm tội làm nhục người khác.

Căn cứ vào nội dung của vụ việc có cơ sở để khẳng định hành vi của những kẻ cắt tóc của chị Nông Thị Phúc có dấu hiệu cấu thành của tội cướp giật tài sản.

Theo đó, hành vi cướp giật tài sản không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được mà lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Tuy nhiên, một điều quan trọng là để khẳng định các đối tượng đã cắt tóc của chị Nông Thị Phúc có phạm vào tội cướp giật tài sản thì một vấn đề đặt ra là cần phải chứng minh được rằng tóc có phải là một loại tài sản hay không?

Theo Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã liệt kê những đối tượng được xem là tài sản, theo đó: “Tài sản bao gồm vật, quyền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Khác với quyền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, ta có thể coi tóc cũng là vật. Hiểu một cách cụ thể, vật là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm giác được bằng các giác quan của mình.

Vật chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành đối tượng trong quan hệ pháp luật, do vậy, nếu bộ phận của thế giới vật chất mà con người không thể kiểm soát được chiếm hữu được nó thì đồng nghĩa với việc con người không thể tác động được vào nó. 

Muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau:

 + Là bộ phận của thế giới vật chất: Đây là một điều kiện không thể thiếu để trở thành vật trong giao dịch dân sự.

 + Chỉ khi con người chiếm hữu được nó thì nó mới được coi là vật, tức là con người có thể nắm giữ, quản lý được thì mới có thể đưa vào giao dịch dân sự và được coi là vật.

  + Có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai. Ví dụ như một dự án nhà chung cư đang chuẩn bị khởi công xây, công trình đường sắt trên cao… cả hai cái đó đều được đưa vào giao dịch dân sự như một vật sẽ hình thành trong tương lai.

Như vậy căn cứ vào các yếu tố này có thể hiểu tóc cũng là vật. Các đối tượng sau khi cắt tóc của chị Nông Thị Phúc có thể dùng tóc này để bán lấy tiền hoặc trao đổi lấy một vật có giá trị khác. Do đó tôi cho rằng có đủ cơ sở để xử lý các đối tượng về hành vi cướp giật giật tài sản theo Điều 136, Bộ luật Hình sự về tội cướp giật tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)