Vô cớ đòi nợ, chiếm đoạt xe máy rồi mang đi trả, có phạm tội không?

ANTD.VN - Anh Đoàn Văn C. (SN 1978) đi xe máy đến cửa hàng để rửa xe. Lúc này Phạm Đình H. (SN 1980) nhìn thấy anh C. đang ngồi đợi rửa xe nên đi sang gặp anh C. với mục đích để đòi tiền. Anh C. nói không nợ tiền của H. nên hai bên xảy ra cãi vã. Phạm Đình H. nói: “Nếu không có tiền thì em cứ giữ xe của anh về đã, khi nào anh có tiền thì tính sau”. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Nói xong H. định dắt xe về thì anh C. dùng tay giữ xe lại. Hai bên giằng co nhau thì Phạm Đình T. (SN 1977) là anh trai H. đang cào thóc ở trước cửa nhà thấy em mình đang xô xát với C. nên cầm chiếc cào bằng gỗ chạy sang đánh anh C. trúng vào tay khiến anh C. phải buông tay khỏi chiếc xe máy. H. đã dắt chiếc xe máy của anh C. về nhà. Anh C. sau đó báo cho Công an xã đến làm việc. Sau đó H. thấy việc giữ xe của anh C. là không đúng nên đã đem xe đến Công an xã để nộp.

Vấn đề đặt ra ở đây là Phạm Đình H. có phạm tội không?

Ý kiến bạn đọc

Không phạm tội

Trong vụ việc này, Phạm Đình H. không phạm tội bởi lẽ mặc dù không chứng minh được anh Đoàn Văn C. nợ tiền H., nhưng ý thức của H. khi giữ xe là nhằm mục đích để đòi nợ anh C. Ngay sau khi sự việc xảy ra, H. nhận thấy hành vi mình giữ xe của anh C. là sai nên đã đem đến Công an xã giao nộp. Do đó hành vi của H. không cấu thành tội phạm mà là quan hệ dân sự.

Đinh Thị Thắng (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Phạm tội cướp tài sản 

Phạm Đình H. đã phạm tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015 vì ngay từ đầu H. đã không có căn cứ chứng minh anh Đoàn Văn C. nợ tiền mình. Việc H. có hành vi dùng vũ lực (xô xát với anh C.) nhằm mục đích giữ chiếc xe mô tô của anh C. để buộc trả nợ tức là có ý thức chiếm đoạt chiếc xe. Khi H. đang xô xát với C. để chiếm đoạt chiếc xe thì Phạm Đình T. là anh trai H. sang đánh anh C. làm anh C. phải bỏ chạy, từ đó H. đã chiếm đoạt được chiếc xe. Hành vi cướp tài sản của H. hoàn thành từ lúc H. lấy được xe của anh C. mang về nhà, việc sau đó H. mang xe đến công an xã giao nộp chỉ thể hiện thái độ ăn năn của mình.

Vũ Thúy Hằng (Long Biên - Hà Nội)

Phạm tội cưỡng đoạt tài sản 

Trong vụ việc này, Phạm Đình H. đã có hành vi dùng vũ lực (xô xát với anh Đoàn Văn C.) nhằm mục đích giữ chiếc xe mô tô của anh C. để buộc anh C. phải trả nợ tức là H. đã có ý thức chiếm đoạt chiếc xe đó. Mặc dù việc H. chiếm đoạt được chiếc xe là do có Phạm Đình T. đánh anh C. nhưng hành vi của H. và anh T. là độc lập với nhau, anh T. không biết mục đích của H. là chiếm đoạt tài sản. Do đó hành vi của H. cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Đinh Quốc Tùng (Ý Yên - Nam Định)

Bình luận của luật sư

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc, chúng tôi thấy rằng vấn đề cần phải làm rõ ở đây là việc Phạm Đình H. giữ xe của anh Đoàn Văn C. là nhằm mục đích để đòi nợ anh C. sau đó lại đến công an xã nộp lại thì có cấu thành tội phạm hay không. Theo chúng tôi, việc H cố tình giữ xe của anh C để đòi nợ là đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản là chiếc xe máy của anh C., do đó hành vi của Phạm Đình H. có dấu hiệu phạm tội hình sự. Trên thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp chủ nợ đòi tiền, ép con nợ bằng cách giữ tài sản là ti vi, xe mô tô, xe ô tô… sau đó đã bị xử lý về các tội chiếm đoạt tài sản.

Đối với quan điểm cho rằng Phạm Đình H. đã có hành vi dùng vũ lực (xô xát với anh C.) nhằm mục đích chiếm giữ chiếc xe máy của anh C. để buộc anh C. phải trả nợ tức là có ý thức chiếm đoạt chiếc xe. Khi đang giằng co thì Phạm Đình T. là anh trai H. chạy đến dùng cào gỗ đánh anh C. làm anh C. bỏ chạy nên H. đã lấy được xe.

Do đó, Phạm Đình H. đã phạm tội cướp tài sản. Theo quan điểm của chúng tôi, hành vi dùng vũ lực của H. đối với anh C. không làm cho anh C. lâm vào “tình trạng không thể chống cự được”, việc anh C. phải buông tay khỏi chiếc xe máy của mình và bỏ chạy là do bị T. đánh. Vì không có căn cứ chứng minh Phạm Đình T. đồng phạm với Phạm Đình H. nên hành vi của H. không đảm bảo mặt khách quan của tội cướp tài sản.

Về quan điểm cho rằng hành vi của Phạm Đình H. dùng vũ lực nhằm chiếm giữ chiếc xe của anh Đoàn Văn C. tức là có ý thức chiếm đoạt chiếc xe. Do hành vi của Phạm Đình T. độc lập với Phạm Đình H. nên hành vi của H. có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo chúng tôi trong vụ việc này, Phạm Đình H. không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần làm cho anh Đoàn Văn C. phải giao tài sản, do đó hành vi của Phạm Đình H. không đảm bảo đặc trưng cơ bản về mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi có cơ sở để cho rằng Phạm Đình H. đã có dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.

Thông thường người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà không làm gì được. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).

Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được). Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh…

Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên đối với mọi người xung quanh.

Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ô tô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Trở lại nội dung vụ việc nói trên, theo chúng tôi Phạm Đình H. đã có ý định chiếm giữ chiếc xe của anh Đoàn Văn C. để buộc anh C. trả nợ, tức là có ý thức chiếm đoạt tài sản. H. không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp anh Đoàn Văn C. mà đã thông báo với anh C. về việc mình sẽ giữ xe để buộc anh C. trả nợ. Tức là H. đã có ý định công nhiên chiếm đoạt tài sản của anh C. Sau khi H. dùng tay dắt xe thì anh C. dùng tay giữ xe của mình nên hai bên giằng co, xô xát với nhau nhưng không làm cho anh C. lâm vào tình trạng không thể chống cự được, do đó hành vi của H. chưa chuyển hóa thành tội cướp tài sản.

Việc H. lấy được xe là có yếu tố anh trai H. là Đoàn Văn T. đánh anh C. nên anh C. mới phải buông tay khỏi tài sản của mình. Lợi dụng việc anh C. không thể làm gì để bảo vệ chiếc xe được nữa nên H. đã lấy được xe đem về nhà. Do đó, hành vi của H. thỏa mãn mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)