Việt Nam - thân thiện đến từng nụ cười!

ANTD.VN - Tôi gặp gỡ, được giao lưu và trò chuyện cùng ông - một nhà ngoại giao, nhà văn người Ý bắt đầu từ một chữ duyên, qua lời giới thiệu của một người bạn - nữ nhà văn có tiếng ở Việt Nam. Người đàn ông Ý đặc biệt đó, ngoài những cương vị đã chia sẻ, ông từng hóa thân thành một người mẫu thời trang; một đầu bếp… Tất cả các hoạt động đó đều diễn ra trên quê hương Việt Nam, mà theo ông, có thực sự yêu, thực tâm muốn tìm hiểu về một nền văn hóa khác - lạ phải tự nguyện để đến một ngày nó sẽ là phần tươi đẹp trong ký ức của mình! Ông là Lorenzo Angeloni, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Italia tại Việt Nam. 
 

Cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Italia tại Việt Nam Lorenzo Angeloni

Phóng viên: Ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào thời điểm nào?

- Ông Lorenzo Angeloni: Tháng 11-2010, tôi đặt chân đến Việt Nam. Tôi nhớ, bởi sau ngay Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi đến tôi vẫn còn được hòa mình trong những dư âm của không khí của lễ hội lịch sử đó. Ấn tượng đầu tiên đẹp đẽ đến vậy, và có lẽ đấy cũng là một trong những lý do tôi yêu Hà Nội!

- Tình yêu ấy nếu được thi vị hóa, ông sẽ nói gì? 

- Chính xác hơn thì tình yêu đó khiến tôi cảm thấy thoải mái vô cùng; từ không gian, cảnh quan lẫn con người - tất cả đều thân thuộc, thoải mái như ở nhà mình vậy! 

- Trước khi đến đây, ông biết gì về Việt Nam, về Hà Nội của chúng tôi?

- Cũng vì lý do nghề nghiệp, trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu, đã đọc, đã xem nhiều tài liệu, tranh ảnh, kể cả truyện, tuy nhiên, biết là một chuyện, cảm nhận là một câu chuyện dài… Tôi có thể nói cảm nhận như tôi đã chia sẻ rằng - khi đến với Hà Nội - tất cả ùa ra trước mắt, trong những nhiệm kỳ trước khi làm công tác ngoại giao trên cương vị Đại sứ ở các quốc gia khác tôi chưa bao giờ có cảm giác này. 

- Một người Việt Nam ra nước ngoài, cũng giống như ông - một người nước ngoài đến Việt Nam; chúng tôi hay nói rằng sẽ rơi vào trạng thái “sốc” văn hóa, ông có bị rơi vào cảm giác đó không?

- (Cười) Không, tôi không “sốc” văn hóa. Tất nhiên sau đó, trong quá trình làm việc tôi cũng nhận thấy sự khác biệt trong cách nghĩ, lối sống, văn hóa… Tuy nhiên, đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá đối với tôi. Một điều đặc biệt thú vị nữa là tôi dần nhận thấy nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt mà không thể tưởng tượng ra.

- Điểm đặc biệt nhất về sự tương đồng tác động đến cảm nhận, suy nghĩ của ông đó là gì?

- Nụ cười! Điểm tương đồng đầu tiên đó là người Việt Nam đặc biệt rất thân thiện, hay nở nụ cười nhất trong khối các quốc gia châu Á; và người Ý chúng tôi cũng vậy trong khối các quốc gia châu Âu. Tôi nắm không quá rõ về nguồn gốc, nhưng hai dân tộc rất giống nhau trong sự thân thiện, cởi mở, nhất là việc sẵn sàng bày tỏ sự vui vẻ, hòa đồng của bản thân. Con người Việt Nam thân thiện đến từng nụ cười trong cuộc sống thường nhật lẫn công việc. 

- Tôi thấy ông nhắc đến “số nhiều” trong sự tương đồng? 

- Đúng vậy! Một ví dụ nữa cũng rất điển hình trong sự tương đồng là mối quan hệ trong gia đình. Với người Ý, gia đình, kể cả nhiều thế hệ có vai trò rất quan trọng, giống như người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có sự tương tác giữa các thành viên với nhau. Hay như người Ý và người Việt Nam đều rất thích ca hát, thích đọc và thích viết. Tôi lấy ví dụ văn chương, các quốc gia châu Á, nước nào cũng có nhiều nhà văn, nhưng lối viết, cách cảm nhận, cách tiếp cận chủ đề rất hợp nhau, được truyền tải một cách duyên dáng và bao dung, chất thơ dào dạt trong văn học Việt.

- Tôi thấy ông có đề cập đến văn chương, vậy trong những năm tháng sống tại dải đất hình chữ S, ông có viết nhiều về Việt Nam, về Hà Nội?

- Tôi là một nhà ngoại giao. Nghề nghiệp của tôi là ngoại giao, còn đam mê là cầm bút. Có một cuốn tiểu thuyết tôi viết, cuộc đời của nhân vật chính tỏa ra nhiều nơi, nhưng có một phần bối cảnh của nó ở đây. Quan trọng là những gì tôi đi-đến-thấy-cảm-thấu ở Việt Nam rất tốt cho công việc của tôi nói chung và viết lách nói riêng. Ngoài ra, tôi cũng viết những tiểu luận và ấp ủ một cuốn sách song ngữ Việt - Ý viết về những điểm tương đồng giữa hai quốc gia để người dân hai nước đều có thể đọc và cảm nhận về nó theo một cách rất riêng để hiểu nhau hơn. Càng hiểu biết lẫn nhau thì quan hệ giữa hai quốc gia nói riêng và thế giới nói chung sẽ tốt đẹp hơn.

- Ông có viết nhật ký không? Những mẩu chuyện nhỏ về Việt Nam, Hà Nội sẽ “gom nhặt” thành tư liệu cho ông?

- Không, cơ chế viết của tôi hoàn toàn khác, tôi tập trung quan sát rất nhiều. Tôi tận dụng mọi cơ hội, kể cả khi di chuyển bằng ô tô từ nơi này đến chốn khác. Tôi có thói quen hay ngồi phía trước, ngay cạnh lái xe cũng bởi với lý do này, để từ đó tôi có thể dễ dàng quan sát những gì đang diễn ra xung quanh trên đường phố. Tôi đặt rất nhiều câu hỏi với tất cả những người Việt Nam tôi gặp. Tất cả tạo thành tư liệu trong trí nhớ, khi nào nó “gom đầy” sẽ tự động tuôn ra, khi ấy tôi sẽ bắt đầu viết. 

- Trung tâm Văn hóa Ý tại Việt Nam (Casa Italia) - một dấu ấn vô cùng rõ nét của ông trong thời gian trên cương vị Đại sứ Ý tại Việt Nam?

- “Ngôi nhà Ý” - có thể coi đây là một ý tưởng được thực hiện bằng công sức của rất nhiều người. Trong bối cảnh thế giới hiện nay rất cần những biểu tượng - Trung tâm Văn hóa mang tên “Ngôi nhà Ý” hàm chứa tính chất ấy - là biểu tượng cho sức hút - là nơi để qua đấy có thể “đặt” sự quan tâm của các bạn như triển lãm, chiếu phim, giới thiệu sản phẩm, ẩm thực, giảng dạy ngôn ngữ, trao đổi văn hóa, điểm hẹn giao lưu giữa các nghệ sĩ Việt Nam - Ý... 

- Với chúng tôi, Spaghetti rất ngon và đặc trưng đến từ ẩm thực Ý, vậy ông đánh giá thế nào về ẩm thực Việt Nam? 

- Chắc chắn các bạn cũng quan tâm đến góc độ người nước ngoài như tôi - ngắm nhìn Việt Nam thế nào, cảm nhận ra sao, trong đó có ẩm thực. Tôi thường xuyên ăn các món ăn thuần Việt, ngon và thanh, rất nhiều các món ăn truyền thống có nguồn gốc từ các miền quê, chưa kể đến sự sáng tạo không có giới hạn đã tạo nên những giá trị văn hóa ẩm thực Việt không lẫn với bất cứ quốc gia nào. 

- Mỗi khi trở về quê hương, ông nhớ và thèm cảm giác muốn ăn món Việt nào nhất? 

- (Cười…) Phở gà! Gà mà các bạn gọi là gà “chạy bộ”. Tôi vẫn nhớ ngày bé mẹ tôi cũng kiếm được những con gà như thế để chế biến món ăn cho gia đình thưởng thức chứ không chỉ những con gà công nghiệp. Tôi vẫn nhớ hương vị gà ấy, nó giống gà “chạy bộ” ở Việt Nam. 

- Ông đã thử cảm giác điều khiển một chiếc xe máy Piaggio tham gia vào giao thông Việt Nam chưa? 

- Tôi có 1 chiếc xe Vespa và 1 chiếc xe nữa cũng của Ý là Ducati. Tôi phải nói rằng đi xe máy ở Việt Nam rất thú vị. Khi có thời gian thư thái, điều khiển xe máy, tôi thích cái cảm giác “chui” vào giữa các dòng xe nườm nượp ngược xuôi cuốn mình đi. Không biết từ lúc nào nó “ngấm” vào tôi, khi quay trở về Rome, tôi cũng thản nhiên đi xe như thế (Cười)… và bị bấm còi inh ỏi. 

- Xa Hà Nội, trong ông tồn tại cảm giác gì? 

- Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi được cử tới Ấn Độ để tiếp tục nhận nhiệm vụ. Tôi nghĩ, tất cả những “hạt giống” tôi “gieo trồng” trong nhiệm kỳ ngoại giao của mình sẽ giữ tâm hồn tôi lại nơi đây!  

- Cảm ơn ông. Chúc ông luôn may mắn và hạnh phúc!

Lorenzo Angeloni - nhà ngoại giao, nhà văn người Ý sinh năm 1958 tại thành phố Perugia, miền Trung nước Ý. Ông tốt nghiệp trường Đại học Luật Perugia năm 1981 và công tác trong ngành Ngoại giao từ tháng 2-1985 cho tới nay. Tháng 2-2016, ông được phong hàm Đại sứ bậc cao nhất của Nhà nước Ý và từng đi nhiệm kỳ tại các nước: Uruguay, Đức, Angeria, Sudan… Lorenzo Angeloni là tác giả của nhiều bài luận, phóng sự, tiểu thuyết xoay quanh các chủ đề về đối thoại giữa các nền văn hóa, những xung đột mâu thuẫn trong chiến tranh và về quá trình phát triển, hoàn thiện của mỗi cá nhân. Một số tác phẩm tiêu biểu của Lorenzo Angeloni là “Và chúng ta phải làm gì tiếp theo” (2002); “Phía sau mỗi người” (2014); “Vùng cách ly” (2017)…