Viêm tai giữa - bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ

ANTĐ - Thực tế, 2/3 số lần trẻ em bị cảm lạnh dần dẫn tới nhiễm trùng ở tai. Nguyên nhân chính là hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và đôi tai nhỏ bé của trẻ ứng phó không được tốt như người lớn. Với tình trạng viêm tai phổ biến ở trẻ nhỏ như vậy, đâu là triệu chứng và biện pháp ngăn ngừa?

Cẩn trọng với hiện tượng đau tai

Đau tai do cảm lạnh có thể là cảm giác nóng rát, nhói đau. Ngay cả khi chất lỏng bị mắc kẹt trong tai không bị nhiễm khuẩn, chúng sẽ tạo áp lực lên màng nhĩ, làm cho nó phồng lên và rung. Khi đó, kể cả người lớn lẫn trẻ con có thể bị khó ngủ, sốt, nước mũi đặc có màu vàng hoặc xanh. Hiện tượng đau tai cùng với cơn cảm lạnh sẽ dần biến mất.

Tuy nhiên, ban đầu từ cảm lạnh, trẻ nhỏ đôi khi bị nhiễm trùng tai thứ cấp. Viêm tai giữa thường đột ngột khởi phát và gây đau đớn dữ dội, đó là bởi phản ứng của các đầu dây thần kinh ở màng nhĩ trước áp lực gia tăng. Cùng với đó, bệnh viêm tai đi kèm với một loạt triệu chứng như: Kém ăn, điều này rõ nhất ở trẻ nhỏ bú sữa bình, thay đổi áp lực trong tai giữa khiến mỗi khi nuốt, trẻ đau tai hơn; Khó chịu; Khó ngủ, càng nằm xuống thì cơn đau càng kéo dài hơn; Sốt cao; Chóng mặt, quay cuồng; Tai rỉ nước màu vàng nâu, có máu hoặc chất dịch màu trắng; Nghe khó, thậm chí là điếc tạm thời.

Nguy hiểm khi không điều trị kịp thời

Các bác sỹ hiện giờ chỉ cần sử dụng công cụ soi màng nhĩ là có thể phát hiện tai có bị nhiễm trùng hay không. Với biện pháp điều trị thích hợp, bệnh viêm tai khó có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Tùy vào triệu chứng và tình trạng viêm, người bệnh được kê thuốc giảm đau và hạ sốt, kháng sinh điều trị nhiễm trùng tai… Nếu chất lỏng vẫn còn trong tai hơn 3 tháng hoặc nếu trẻ bị viêm tai lặp đi lặp lại, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật ngoại trú gọi là myringotomy, chèn ống kim loại hoặc ống nhựa nhỏ qua màng nhĩ để hút chất lỏng trong tai giữa. Các ống thường được đặt trong khoảng 8-18 tháng, màng nhĩ sẽ đóng trở lại sau khi ống được lấy ra.

Nếu không điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài hơn, bao gồm: sẹo màng nhĩ, mất thích lực, viêm xương chũm, (một bộ phận của tai giữa nằm ở phía sau tai), viêm màng não, trẻ có vấn đề trong phát triển khả năng nói… Vì thế, cần đưa trẻ đi kiểm tra ngay nếu xuất hiện một số trường hợp khẩn cấp sau: Trẻ bị cứng cổ; Mệt mỏi, phản ứng kém, quấy khóc; Sau 48 tiếng uống kháng sinh mà trẻ vẫn sốt và đau.

Phòng ngừa hiệu quả

• Tránh cho con bị cảm lạnh, đặc biệt là năm đầu đời, vì hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai thường bắt đầu bằng cảm lạnh.

• Nhiễm trùng tai có thể xảy ra sau khi bị cúm, vì vậy nên tiêm phòng cúm hàng năm.

• Hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng Streptococcus pneumoniae, một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng tai. 

• Tránh thuốc lá thụ động vì nó làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng tai.

• Kiểm soát dị ứng – cũng là một yếu tố góp phần gây nhiễm trùng tai. Dị ứng có thể từ môi trường, không khí hít thở, kể cả dị ứng thức ăn (phổ biến nhất là sữa).

• Cho con bú sữa mẹ vì kháng thể trong sữa mẹ làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng tai.

• Nếu trẻ bú bình, nghiêng bình sữa ở một góc 45 độ. Trẻ ăn ở vị trí nằm ngang có thể khiến sữa và các chất lỏng chảy ngược vào ống eustachian. Nếu để trẻ tự cầm bình uống sữa khi còn quá nhỏ cũng có thể làm sữa chảy vào tai giữa.

• Coi chừng việc thở bằng miệng hoặc ngáy, trẻ viêm amidan cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng tai.