Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi

ANTD.VN - Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, hanh khô những triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa lại “hoành hành” khiến người bệnh cảm thấy ngứa, khó chịu. Bệnh viêm da cơ địa thường dai dẳng và có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau đặc biệt là ở trẻ nhỏ khiến cho cha mẹ lo lắng. Viêm da cơ đia nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh trở thành mãn tính và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Lichen đơn mạn tính. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm do đa dạng trong chẩn đoán lâm sàng, đặc biệt khi bệnh nhân dùng quá nhiều chế phẩm khác nhau.

Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi ảnh 1 

Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng

Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện nhiều dạng cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình gồm các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, lichen hóa bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý lẩn quẩn, bệnh diễn biến nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa hiện nay vẫn chưa rõ, tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy bệnh có tính chất di truyền và yếu tố gia đình (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh). Ngoài ra, còn có các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: các dị nguyên trong không khí như các chất thải của rệp nhà, len dạ...

Ngoại độc tố của tụ cầu vàng Staphylococus aureus đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T lympho và đại thực bào. Dị ứng nguyên nội sinh trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc T lymphô đáp ứng viêm.

Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi ảnh 2 

Thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Thức ăn (một số thức ăn như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mì) và các yếu tố khác làm phát bệnh hoặc bệnh nặng lên - đó là giảm chức năng của hàng rào bảo vệ của da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da.

Để xác định rõ nguyên nhân viêm da trên tạng dị ứng, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho thực hiện một xét nghiệm trên da của người bệnh. Đây là một xét nghiệm hết sức an toàn, không đau và rất có giá trị trong việc xác định các nguyên nhân gây dị ứng.

Những triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa

Theo thông tin trên VOV, triệu chứng thường gặp của viêm da cơ địa là trên da xuất hiện những dấu hiệu mẩn ngứa, ban đỏ, sau đó lan ra xung quanh gây ngứa ngáy, khó chịu. Có trẻ xuất hiện những mụn nước, sau khi gãi chảy dịch và chảy máu. Nếu không điều trị đúng cách, sẽ lan rộng ra toàn thân, khiến trẻ quấy khóc, kém ăn…

Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi ảnh 3 

Viêm da cơ địa thường xuất hiện những nốt ban đỏ

Khi bệnh nặng, trẻ cào gãi nhiều, vi khuẩn ở tay sẽ xâm nhập vào da, gây loét và hoại tử da, thậm chí vi khuẩn có thể thâm nhập sâu hơn vào máu, gây ra bệnh cảnh toàn thân rất nặng. “Những bệnh cảnh nặng ở trẻ tuy ít nhưng đã có bởi khi vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu, có thể đi đến tất cả các cơ quan khác và gây viêm, phải dùng kháng sinh rất mạnh để điều trị chứ không phải bệnh lý đơn giản trên da nữa”, bác sĩ Thùy Linh – BV Da liễu Trung ương chia sẻ.

Ngoài yếu tố di truyền, một phần cũng do cha mẹ mắc sai lầm trong cách chăm sóc trẻ như giữ vệ sinh chưa tốt. Chẳng hạn việc tắm ngâm con quá lâu hoặc hời hợt sơ sài bên ngoài nên chưa tẩy rửa hết hóa chất bám trên da trẻ; hoặc dùng các loại lá tắm, xà phòng, sữa tắm, nước xả vải chưa hợp lý, đặc biệt với trẻ có nền bệnh lý về da sẵn có. “Việc dùng các loại xà phòng, chất tẩy quá mạnh làm mất lớp bảo vệ trên da gây tình trạng kích ứng tại chỗ, có phản ứng khô da, bong tróc vẩy dẫn đến viêm da”.

Hiện nay, có rất nhiều gia đình dùng các loại lá đun nước tắm cho con mà không hề biết trong một số thứ lá chứa lượng tinh dầu rất mạnh, cộng thêm các loại lá không hoàn toàn được chăm sóc tự nhiên (có thể là phun các loại kích thích) cũng có thể gây ra viêm da do tiếp xúc. Đặc biệt, việc một số cha mẹ thấy da con mẩn đỏ không những đun nước lá tắm mà còn vò lá đắp trên da cho mát nên càng làm vết thương bỏng rát nặng thêm.

Các phương pháp điều trị viêm da cơ địa

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, điều trị viêm da cơ địa bao gồm: chăm sóc da; tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm nặng bệnh; dùng thuốc chống viêm.

Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi ảnh 4 

Khi bị viêm da cơ địa nên dùng các loại kem làm mềm da, tạo độ ẩm cho da

Chăm sóc da: Sử dụng các loại kem làm mềm da, tạo độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng da như xà phòng, chất sát khuẩn, hóa chất, khói thuốc lá, rượu bia... vì chúng có thể càng làm da bị khô hơn. Bạn nên sử dụng các loại xà phòng ít bị khử mỡ và có pH trung tính để thay thế. Nên cắt móng tay thường xuyên và hạn chế gãi nhiều vì có thể làm tăng nặng triệu chứng của bệnh. Có thể sử dụng gạc ướt để đắp các tổn thương da nặng hoặc kéo dài để giúp giảm ngứa, làm mềm da, ngăn ngừa gãi quá nhiều vào tổn thương và thúc đẩy quá trình liền sẹo. Cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.

Sử dụng thuốc chống viêm: dùng glucocorticoid bôi tại chỗ như kem fluticasone, betamethasone, clobetasone 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp, sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc 2 lần mỗi tuần tại tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát. Những loại glucocorticoid có tác dụng rất mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng.

Một số thuốc ức chế miễn dịch bôi tại chỗ như tacrolimus, pimecrolimus đem lại hiệu quả rõ rệt cũng như tính an toàn khá cao trong điều trị viêm da cơ địa. Chiếu tia cực tím tại chỗ được sử dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với các điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ hay gặp là nổi ban đỏ, rát và ngứa da, rối loạn sắc tố.

Dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Do ngứa thường tăng lên về đêm nên có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin có tác dụng an thần vào tối trước khi đi ngủ. Những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ, có thể dùng một đợt glucocorticoid đường uống ngắn ngày nhưng phải lưu ý giảm dần liều trước khi ngưng hẳn thuốc.