Vì sao tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam tăng?

ANTD.VN - Báo cáo Điều tra đặc điểm nông nghiệp nông thôn vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) công bố cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam tăng lên.

Cần tìm cách thoát nghèo cho đồng bào vùng cao

GS. Finn Tarp- Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới cho biết kết quả điều tra tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của năm 2016 là 16,2% trong khi 2 năm trước đó con số này là 12,9%. Nói cách khác, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Nghiên cứu đã chỉ ra, việc Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo mới với những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn khiến tỷ lệ đói nghèo tăng lên. 

Bên cạnh đó, khoảng cách về các kết quả phúc lợi giữa người nghèo và người giàu nhất vẫn còn rất lớn. Nếu chia các hộ gia đình theo vùng miền, các hộ gia đình ở vùng núi phía Bắc  như: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu tiếp tục tụt hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi. Chất lượng y tế và vệ sinh môi trường chưa cao.

Cũng theo GS. Finn Tarp, di cư vẫn là vấn đề lớn của lao động nông thôn Việt Nam hiện nay.  Các tỉnh có nhiều hộ có người di cư là: Quảng Nam, Nghệ An, Đắk Lắk, Đăk Nông… Nơi đến của họ là Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk. Người di cư thường là nam giới, thuộc các gia đình nghèo hơn trong cộng đồng. 

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, các hộ nghèo - đối tượng cần tiếp cận vốn nhất lại khó tiếp cận vốn hơn cả. Chỉ có khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào.

TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng, thời gian qua chúng ta đang thực hiện việc phân bổ nguồn lực theo hướng lấy của người này cho người khác chứ chưa phải là sự phân bố nguồn lực hợp lý, thế nên công cuộc xóa đói giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả. 

Báo cáo điều tra đặc điểm nông thôn Việt Nam được thu thập dữ liệu từ 2.669 hộ gia đình nông thôn năm 2016 tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo cũng khuyến nghị các giải pháp để giúp người nghèo thoát nghèo.