Vì sao người giao hàng (shipper) có nguy cơ cao bị hành hung, hiếp dâm, cướp tài sản?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, chiều 30 Tết, cô gái Cao Mỹ D (21 tuổi) ở Điện Biên khi đi giao gà cho khách đặt hàng qua điện thoại đã bị sát hại. Sự việc đã gây chấn động dư luận, khiến cộng đồng shipper (những người giao hàng) cảm thấy bất an.

Khi shipper bị đánh đập, cướp tài sản

Đáng buồn, sự việc trên không phải chuyện hiếm gặp. Cách đây không lâu, tại một khu chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, shipper N.V.H đã nhận giao quần áo của một shop thời trang tới khách hàng ở chung cư này.

Tuy vậy, sau khi xem hàng vị khách không ưng ý đã từ chối 30.000 đồng tiền phí vận chuyển cho anh H. Sau một hồi đôi co, khách hàng đã đấm anh H, đồng thời cầm chiếc vợt tennis đập túi bụi vào anh này, khiến anh H bị gẫy mũi, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Không chỉ bị hành hung, nhiều shipper còn bị cướp tài sản. Ngày 21/8/2016, Lường Văn Ngộ ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn đã lên mạng xã hội đặt mua 5 chiếc điện thoại di động, với tổng trị giá 13,2 triệu đồng của một người bán hàng tại Chợ cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Hàng được giao cho người vận chuyển là anh Đào Văn Cần ở xã Tân Thanh với số tiền công là 400.000 đồng.

Mỗi người giao hàng cần biết cách tự bảo vệ mình

Sau đó, Ngộ cùng 1 đối tượng khác đã nghiên cứu địa điểm ra tay với người giao hàng. Chúng chọn khu vực hoang vắng trên đồi thông, cách xa khu dân cư rồi dùng gậy tấn công và khống chế cướp đi 5 chiếc điện thoại.

Trước đó, tại thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn cũng xảy ra vụ việc với thủ đoạn tương tự. Một đối tượng là học sinh cấp 3 đặt mua 2 chiếc điện thoại di động đắt tiền qua mạng, khi nhân viên giao hàng của công ty điện thoại đem hàng đến đã bị đối tượng cướp giật rồi bỏ chạy.

Còn tại Hà Nội, cuối tháng 12/2018, CAQ Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ Nguyễn Phi Anh và Lê Quốc Hưng do có hành vi cướp tiền của shipper. Hai đối tượng này đã lừa một người giao hàng đi vào ngõ tối rồi khống chế, trói vào cột điện, cướp tiền, điện thoại, thẻ ATM. Sau đó, hai tên cướp còn dò được mật khẩu lưu trên điện thoại của nạn nhân, chiếm đoạt tiếp gần 10 triệu đồng trong thẻ ATM.

Bên cạnh đó, một số shipper còn bị bên giao hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc, bị bên nhận hàng “bùng” tiền công vận chuyển, thậm chí còn bị khách hàng gạ tình, quấy rối. Ngoài ra, có shipper còn bị lợi dụng chở hàng hóa cấm.

Trên một diễn đàn về shipper, Đ.V.T – một “xe ôm” kiêm shipper, chia sẻ, cách đây không lâu, có khách gọi điện đến nhờ chuyển một gói hàng rất gọn nhẹ nhưng sẵn sàng thanh toán tiền công 200.000 đồng. Tuy vậy, khi đến gặp khách nhận hàng, thấy vị khách mặt mũi bặm trợn, ăn nói hùng hổ, xăm trổ đầy người lại cầm theo gói hàng bé tí yêu cầu giao hàng đến một địa chỉ vốn được coi là điểm nóng về nạn nghiện hút, T nghi đó là ma túy đành tìm cách thoái thác, “bỏ của chạy lấy người”.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn?

Anh Nguyễn Đức Phong – người có thâm niên 8 năm làm shipper cho biết, công việc giao hàng không hề đơn giản. Do phải di chuyển liên tục trên đường, lại phải tiếp cập với nhiều đối tượng ở các địa bàn khác nhau nên thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro.

“Trung bình mỗi ngày tôi giao hàng đến hàng chục địa điểm, gặp những người xa lạ. Chúng tôi không có thời gian, cũng không có điều kiện xác minh hàng hóa phải giao là gì, người nhận hàng có đáng tin cậy hay không, địa chỉ giao hàng là địa chỉ thực hay địa chỉ “ma”. Do đó, nếu không may gặp khách hàng xấu tìm mọi cách làm khó hoặc bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện giao hàng cấm, chúng tôi khó có thể tránh khỏi liên lụy” – anh Phong thở dài.

Cũng theo anh Phong, dù nghề giao hàng khá đơn giản, không yêu cầu chặt chẽ về học vấn, sức khỏe, giới tính, độ tuổi nhưng đây là công việc khá vất vả, đặc biệt là với phụ nữ. Bên cạnh đó, nếu không tỉnh táo, thận trọng, shipper rất dễ trở thành người vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm khi bị lợi dụng vận chuyển hàng cấm.

Để đảm bảo an toàn, mỗi shipper cần biết cách tự bảo vệ mình, chỉ nên nhận đơn giao hàng vào ban ngày và ở những địa chỉ rõ ràng, không ở trong những khu vực vắng vẻ, ngõ ngách khó tìm.  Ngoài ra, người chuyển hàng cũng không nên nhận hàng ở những nơi đề địa chỉ  chung chung như chân toà nhà chung cư, đầu ngõ, quán cà phê... mà phải vào tận nhà, cửa hàng của người thuê mình. Khi tới địa điểm giao hàng cần cảnh giác, quan sát xung quanh tránh mang theo tài sản có giá trị.

Mặt khác, shipper cần cảnh giác khi  người mua chỉ dẫn sang địa chỉ giao hàng khác với địa chỉ đã đặt trước, cố gắng giao hàng ở nơi công cộng hoặc sáng đèn. Nếu cảm thấy có điều đáng nghi, người vận chuyển hãy yêu cầu người mua nhận hàng ở nơi công cộng, đông người hoặc hủy giao hàng, luôn chú ý môi trường xung quanh và các chi tiết khả nghi (có người theo dõi, nơi giao hàng tối tăm) và hạn chế để tiền mặt trong người.

“Trước khi đi giao hàng, shipper nên tra cứu đường đi tránh trường hợp bị lạc, thông báo cho người thân, gia đình và đồng nghiệp biết về địa điểm sẽ tới. Nếu không may gặp đối tượng xấu cần hết sức bình tĩnh để tình cách ứng phó, tìm người trợ giúp” – anh Phong khuyến cáo.