Vì sao một số người già Nhật Bản tìm cách để...'được' vào tù?

ANTD.VN -Ở trong tù cho đỡ cô đơn. Ở trong tù không phải lo cơm áo gạo tiền, có người chăm sóc. Đó là những lý do khiến một bộ phận người già Nhật Bản phạm tội "để được" vào tù.

Một điều dưỡng được thuê để chăm sóc các tù nhân có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, như người đàn ông ngồi xe lăn này

Có những niềm vui riêng

Ông lão 92 tuổi dáng người gày gò, lọt thỏm trong chiếc xe lăn giữa mảnh sân hẹp. Mắt nhắm nghiền và ngồi bất động, ông cụ tận hưởng sự ấm áp của ánh nắng mặt trời. Ông không phải là một cụ ông cao tuổi bình thường mà là một tù nhân đang thụ án chung thân vì tội giết người và hãm hiếp. Gần ông cũng có hơn 10 ông cụ nữa đang tập thể dục. Nhà tù này ở vùng Tokushima, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản 520km về hướng tây, được chuyển đổi công năng để chuyên giam giữ những tù nhân cao tuổi. Như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, hệ thống nhà tù ở Nhật Bản cũng phải vật lộn với vấn đề già hóa dân số.  

Bà Tani, 80 tuổi đã thụ án được 2 năm. Bà bị cảnh sát bắt giữ vì tội ăn cắp vặt ở cửa hàng tạp hóa. “Tôi không túng thiếu đến mức phải đi ăn trộm. Chỉ là tôi không muốn trở về nhà chỉ có một mình. Thà vào tù còn hơn”.  5 năm trước, chồng bà Tani qua đời. Bà không có con nên việc người chồng đột ngột ra đi khiến bà rơi vào khủng hoảng, sợ phải ở trong căn nhà chỉ có một mình. “Ở trong tù không tự do như bên ngoài nhưng cũng có những niềm vui riêng. Hàng ngày tôi có người trò chuyện. Ngày ăn 3 bữa không phải lo nghĩ gì. Khi ốm đau có nhân viên y tế chăm sóc. Tôi nghĩ sau này khi được ra tù chắc tôi cũng phải tìm cách quay lại đây”, bà Tani cho biết.

Không chỉ có mình bà Tani, rất nhiều người già Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cô đơn khi không có người thân bên cạnh. Thậm chí ngay cả khi có người thân, nhiều người già Nhật Bản cũng không thích sống cùng con cháu. Bà Nori, một tù nhân chia sẻ: Tôi có một người con trai. Tôi đến ở cùng con trai và con dâu được 3 năm. Công việc làm ăn của chúng không được suôn sẻ nên tôi phải lấy hết tiền tiết kiệm để lo kinh tế gia đình. Ở tuổi gần 80 tôi phải chăm sóc 2 đứa cháu, thực sự là quá sức với một người già như tôi. Trong những lần đi mua đồ vì không có nhiều tiền nên tôi đã nảy sinh ý nghĩ ăn trộm một vài thứ. Những lần đầu không bị bắt nên tôi thấy thích thú khi không mất tiền mà vẫn có được thứ mình muốn. Nhưng đến lần thứ 3 thì tôi bị bắt khi ăn trộm một cái chảo rán và một túi táo. Vào tù tôi thấy cũng không tệ đến mức như mình nghĩ, ngược lại còn có phần thoải mái hơn.

Hàng ngày, các phạm nhân tại nhà tù Tokushima ngủ khoảng 4-5 tiếng. Thời gian còn lại, họ ngồi gấp giấy thủ công và làm các công việc nhẹ nhàng. "Tôi bị bệnh tim nên thường xuyên ngất xỉu ở xưởng sản xuất của nhà tù", theo phạm nhân 81 tuổi đang thụ án chung thân vì hành vi sát hại một tài xế taxi và làm một người khác bị thương trong một vụ án 60 năm trước. 

Bữa nào các quản giáo cũng phải cắt nhỏ thức ăn cho các tù nhân vì họ không còn đủ răng để nhai. Họ còn thuê một đội ngũ hộ lý chuyên chăm sóc người già túc trực trong bệnh viện của nhà tù. Vào ban ngày, nhà tù thuê điều dưỡng viên tắm rửa, vệ sinh cho các tù nhân cao tuổi. Song, vào ban đêm, công việc này được thực hiện bởi các cai ngục.

Tù nhân cao tuổi đang là thực trạng đáng lo ngại của Nhật Bản

Gánh nặng ngân sách

Theo thống kê, Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với 27,3% người dân trên 65 tuổi, tỷ lệ này gấp đôi so với Mỹ. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc này đang phải đối mặt với thực trạng: tội phạm cao tuổi. Số lượng các vụ trộm cắp, bắt giữ người già ngày càng gia tăng. Hệ quả của thực trạng già hóa dân số là gần một nửa người già Nhật Bản sống một mình trong cảnh bần hàn. “Chồng tôi qua đời vào năm ngoái. Không người nương tựa, tôi cứ thế sống qua ngày. Tôi chỉ tính tới siêu thị để mua rau. Nhưng khi nhìn thấy túi thịt bò, tôi thèm quá nên đánh liều trộm chúng”, bà Hachi giãi bày.

Phần lớn người cao tuổi thường phạm các tội lặt vặt như ăn cắp trong cửa hàng. Nhưng với hệ thống luật pháp nghiêm khắc ở Nhật thì chỉ cần lấy một cái bánh giá 200 yen (gần 39.000 đồng) thì cũng đủ để ngồi tù 2 năm. Trong khi đó, toàn bộ chi phí từ xét xử tố tụng đến giam giữ một người trong vòng 2 năm vào khoảng 3,8 triệu yen. Theo nghiên cứu của Custom Product Research, đến năm 2036, các trại giam sẽ phải nuôi khoảng gần 12.000 “bô lão” và nhà nước tốn khoảng 47,8 tỉ yen/năm.

Một khó khăn khác là phải đào tạo cán bộ quản giáo biết... chăm sóc người già, hỗ trợ họ trong những nhu cầu cơ bản như đi bộ, vệ sinh, ăn uống. Khi phạm nhân qua đời thì nghi thức tang lễ và an táng đều do nhà tù sắp xếp. Bên cạnh đó, số quản giáo nữ đang quá ít trong khi xu hướng phụ nữ lớn tuổi phạm tội ngày càng tăng.

Tỉ lệ tái phạm cao

Theo các chuyên gia, nhiều phạm nhân do tuổi cao sức yếu và bệnh tật nên không kiếm được việc làm sau khi mãn hạn tù. Và tái phạm là lựa chọn gần như tất yếu của họ. . Khoảng 40% người lớn tuổi sống một mình. Họ phạm tội, vào tù, được thả nhưng không có tiền, không có gia đình nên nhanh chóng phạm tội trở lại. Đó là một vòng luẩn quẩn không dễ phá vỡ. Số lượng tù nhân trên 60 tuổi tăng 7% trong suốt 10 năm qua lên hơn 9.000 người, chiếm 19% tổng số tù nhân ở Nhật Bản vào năm 2016. Trong khi đó, số lượng tù nhân cao tuổi ở Mỹ chỉ chiếm 6% và 11% ở Hàn Quốc.

Số liệu thống kế chính thức, khoảng 1/4 số phạm nhân trên 65 tuổi bị bắt trở lại nhà tù trong vòng hai năm kể từ sau khi được tha bổng, tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ tái phạm ở các nhóm tuổi khác.