Vì sao dịch bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên, có người đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch bệnh bạch hầu bất ngờ bùng phát mạnh tại khu vực Tây Nguyên với tổng cộng 60 ca mắc, 3 người tử vong. Đáng chú ý, một số trường hợp đã tiêm vaccine phòng bạch hầu nhưng vẫn mắc bệnh…

PGS.TS Dương Thị Hồng

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến khá phức tạp hiện nay, Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia về vấn đề này.

- Vì sao dịch bệnh bạch hầu tăng trở lại sau rất nhiều năm Việt Nam đã khống chế thành công, thưa bà?

PGS.TS Dương Thị Hồng: Nhờ triển khai vaccine bạch hầu trên diện rộng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm 410 lần so với trước khi triển khai.

Tuy nhiên, trong các năm gần đây vẫn ghi nhận khoảng vài chục trường hợp mắc bạch hầu/năm, rải rác ở một vài tỉnh /thành phố, hơn 70% các trường hớp mắc bệnh bạch hầu trong những năm gần đây gặp ở trẻ lớn và người lớn.

Từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận xu hướng tăng nhẹ số ca mắc bạch hầu và một vài ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ tại một số địa phương như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Dịch lần này có thể do một số nguyên nhân sau:

Những trường hợp không tiêm chủng vaccine hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi phòng bệnh bạch hầu sẽ không có hoặc không có đủ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, trở thành đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng khi dịch xảy ra.

Những người đã tiêm đủ số mũi vaccine thì chỉ 85-90% có thể sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bạch hầu, 10-15% số còn lại có thể không có miễn dịch hoặc không tạo đủ miễn dịch bảo vệ.

Mặt khác, miễn dịch do vaccine bạch hầu tạo ra sau khi tiêm tồn tại trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ giảm dần. Ở những nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, có thể gặp trường hợp miễn dịch giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bệnh bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn lây nếu chưa có kháng thể bảo vệ, việc tích lũy những đối tượng chưa có hoặc chưa đủ miễn dịch phòng bệnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh và xẩy dịch.

Bác sĩ khám cho người dân trong khu vực có dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

- Điều rất đáng chú ý là trong số những bệnh nhân mắc bạch hầu vừa qua, có những trường hợp đã tiêm chủng nhưng vẫn mắc bệnh, thậm chí tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân?

- Không có vaccine nào đạt được hiệu quả bảo vệ 100%. Như đã nói ở trên, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine theo lịch tiêm chủng nhưng do khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi cá thể khác nhau, có khoảng 10-15% đối tượng mặc dù đã được tiêm chủng nhưng không có hoặc không có đủ miễn dịch phòng bênh vẫn có khả năng mắc bệnh.

Ngoài ra, miễn dịch phòng bệnh do tiêm vaccine cũng sẽ bị giảm dần theo thời gian và không còn đủ khả năng bảo vệ.

Để đảm bảo phòng bệnh hiệu quả cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và sau một thời gian 5-10 năm cần phải tiêm nhắc để củng cố miễn dịch.

- Vậy ngành y tế sẽ có những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh này hiệu quả hơn trong thời gian tới?

- Để khống chế dịch bệnh, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp đáp ứng dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm giám sát phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, khử khuẩn, cách ly đối tượng tiếp xúc, triển khai uống kháng sinh dự phòng, tiêm chủng vắc xin chống dịch cho các đối tượng nguy cơ cao.

Đồng thời, tăng cường công tác vận động tuyên truyền người dân phối hợp với ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong năm 2020, diện triển khai vaccine Td miễn phí cho trẻ 7 tuổi trong tiêm chủng mở rộng sẽ được mở rộng ra 35 tỉnh/thành phố bao gồm các tỉnh khu vực Tây Nguyên và năm 2021 vaccine này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đây sẽ là biện pháp chủ động, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh.

- Xin cảm ơn bà!