Vi phạm sở hữu trí tuệ có thể bị xem xét xử lý hình sự

ANTD.VN - Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Thực thi quyền SHTT trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển".

Sử dụng phần mềm lậu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin

Ngày 18- 4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Cục Sở hữu trí Tuệ Việt Nam và Liên minh phần mềm BSA đã tổ chức Tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)".

Ông Trần Văn Minh- Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm tới 78% và không hề giảm sút so với năm 2015.

Trong năm 2017, Bộ VH-TT-DL đã thực hiện thanh tra, kiểm tra ở 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính. Trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi vi phạm, sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu; xử lý vi phạm hành chính 1,6 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 20118, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với chương trình máy tính tại 26 doanh nghiệp và xử phạt 750 triệu đồng.

"Với những hình phạt nghiêm khắc hơn được quy định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi, hy vọng tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính nói riêng và quyền tác giả sẽ giảm xuống thấp hơn và ngang bằng với tỷ lệ các nước trong khu vực trong năm tới.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng các chương trình phần mềm máy tính của mình và có hành động kịp thời để ngăn chặn, tránh những tổn thất về về tuy tín, tài chính chũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp"- ông Trần Văn Minh nói.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường- Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp Việt Nam (VNCERT), không có chuyện miễn phí trong việc sử dụng phần mềm lậu.

"Nếu chúng ta không trả bằng tiền mua bản quyền thì chúng ta phải trả giá bằng việc mất an toàn thông tin. Nguy hiểm hơn, thiết bị sẽ dính mã độc, bị gắn thiết bị nghe lén... Vụ tấn công của mã độc Wannacry là một ví dụ".

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Thực thi quyền SHTT trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển.

Các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hơn nữa nhận thức về sở hữu trí tuệ và tôn trọng "luật chơi"- ông Lê Ngọc Lâm khuyến nghị.