Về tin đồn "nam sinh Phú Thọ làm 4 bạn gái mang thai": Tung tin bịa đặt có thể phải ngồi tù tới 7 năm

ANTD.VN -Cách đây ít ngày, trên một số trang mạng xã hội facebook đã đăng tải thông tin về việc một nam sinh lớp 10 ở Phú Thọ làm nhiều nữ sinh khác cùng lúc có thai. Ngay sau khi được đăng tải, thông tin này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây xôn xao dư luận. Tuy vậy, kết quả xác minh ban đầu của các đơn vị liên quan cho thấy, thông tin này hiện chưa được kiểm chứng.

Về tin đồn một nam sinh lớp 10 ở Phú Thọ làm 4 học sinh nữ khác mang thai, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã đề nghị lãnh đạo sở GD&ĐT Phú Thọ chỉ đạo quyết liệt Trường THPT P. C (nơi có nam sinh theo học) phối hợp với chính quyền các địa phương có các học sinh trong diện có thông tin liên quan kiểm tra, xác minh ngay sự việc.

Mặc dù chưa rõ đúng sai, song thông tin trên đã ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của học sinh nam – nhân vật chính của tin đồn gây sốc và gia đình của học sinh này trong những ngày qua.

Ngôi trường được cho là nơi nam học sinh đang theo học

Đáng buồn là thời gian qua, tình trạng những thông tin giật gân, gây sốc, có nội dung hoàn toàn bịa đặt “bỗng dưng” xuất hiện trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, khiến không ít cá nhân, doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao. Liên quan đến hành vi này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi, cá nhân tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính, bồi thường, thậm chí bị xử lý hình sự.

Cũng theo Luật sư Tiến Hòa, việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội tuy ban đầu chỉ nhằm mục đích câu like, câu view nhưng lại gây hậu quả thật. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý thật nghiêm đối với những đối tượng tung tin bịa đặt để làm gương.

Về xử lý hành chính, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm.

Cá nhân có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người đăng tin thất thiệt, sai sự thật lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức hình phạt từ 6 tháng-7 năm tù.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trường hợp xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo Điều 122 BLHS 2015. Theo đó, người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng-7 năm.

Ngoài ra, Điều 8 Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm việc thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

“Để sử dụng mạng xã hội một cách tích cực và an toàn, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi người cần trang bị kiến thức, biết chắt lọc thông tin và cần thận trọng trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin nhằm tránh tự đẩy mình vào vòng lao lý” – Luật sư Tiến Hòa khuyến cáo.