Vệ sinh ở các khu trọ giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát bệnh

ANTD.VN - Từ vụ việc nữ sinh viên tử vong do sốt xuất huyết tại quận Đống Đa vào ngày 14-5 vừa qua, “giật mình” nhìn lại chất lượng vệ sinh các khu nhà trọ cho người thu nhập thấp và sinh viên ở Hà Nội. 

Vệ sinh ở các khu trọ giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát bệnh ảnh 1

Các khu nhà trọ bố trí nhếch nhác, lộn xộn

Những nhà trọ chật chội, ẩm thấp, nhiều muỗi và côn trùng… khu nấu ăn và khu vệ sinh nằm sát nhau tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát bệnh.

Khu trọ ẩm thấp, khu vệ sinh và nấu ăn cách nhau chưa đầy 1m

Sinh viên và người lao động nghèo là đối tượng có nhu cầu thuê nhà giá rẻ lớn nhất ở Hà Nội hiện nay. Những dãy phòng trọ lụp xụp, lợp ngói xi măng, chật hẹp, ẩm thấp khiến người ta ngao ngán. Vì xây dựng “lọt thỏm” bên cạnh các ngôi nhà cao tầng, nên có khi những người sống ở đây chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Quần áo lúc nào cũng ẩm mốc vì không được hong nắng. Không những vậy, vì yếu tố kinh tế nên những phòng trọ khép kín rộng có khi chỉ 10 đến 15m2, khu vệ sinh và nấu ăn có khi chỉ cách nhau nửa mét.

Nhà vệ sinh ngập đầy rác

Thực tế tại các khu vực có nhiều trường đại học như Nhổn, Cổ Nhuế, Cầu Giấy… gia đình nào cũng xây nhà trọ cho sinh viên thuê. Tuy nhiên, vì đáp ứng nhu cầu cho thuê giá rẻ (chỉ từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng/phòng) nên các hộ gia đình ở đây đầu tư ít vốn liếng, chủ yếu xây nhà cấp 4. Nhiều xóm trọ lâu năm đã bắt đầu xuống cấp, phòng ốc ẩm thấp, hành lang rêu mốc và nhìn từ phía ngoài, trông chúng xập xệ, tăm tối và rất nóng nực.

Cuộc sống trong những căn phòng trọ vừa nhỏ, vừa thiếu sáng, tường, sàn ẩm mốc... không hề dễ chịu, nhất là vào mùa hè, các căn phòng này dường như đều biến thành "lò bát quái". Đã phải chịu khổ như vậy, nhiều bạn sinh viên còn phải gánh thêm một nỗi ám ảnh khác... đó là bị muỗi cắn.

Theo bạn Lê Ngọc Châm (sinh viên trường Đại học Tài nguyên và môi trường) chia sẻ: “Môi trường sống ở đây khá tệ. Nhiều xóm trọ không có nước sạch, phải dùng nước máy, lọc và tích vào bể chứa. Các hộ gia đình đều có quỹ đất khá rộng nên ngoài việc xây xóm trọ cho sinh viên thuê, nhiều người còn tranh thủ trồng rau, cây ăn quả hoặc lấy bóng mát. Ngoài ra, vì tập trung quá đông sinh viên, tốc độ đô thị hóa nhanh nên môi trường ở đây cũng bị ô nhiễm. Quanh các con đường chạy ngang dọc trong khu vực này, đâu đâu cũng thấy xe rác hoặc bãi rác thải sinh hoạt mọc lên... Tất cả những lý do đó đã khiến khu vực này dường như nóng, ẩm, bức bối và nhiều muỗi hơn hẳn các nơi khác”.

Ý thức chủ quan của sinh viên

Nữ bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định tử vong do sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Bệnh nhân sốt đến ngày thứ 3, đau đầu, đi khám được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, cho về nhà điều trị. Sau đó bệnh nhân đi ngoài phân lỏng, nói nhảm, huyết áp tụt. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tối 14-5. Sau khi vào viện 10 phút, bệnh nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn, được các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi. Đây là ca tử vong đầu tiên ở Hà Nội do sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Sự ẩm mốc bao trùm các khu nhà trọ giá rẻ

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày...

Nhưng có lẽ những khuyến cáo ấy chẳng “thấm” vào đâu. Theo chị Nguyễn Thị Mai (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cho biết: “Nhà tôi có hai dãy phòng trọ cấp 4 cho sinh viên thuê. Giá mỗi phòng khoảng 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Mỗi tháng tôi thuê người đến dọn dẹp vệ sinh tại các hành lang của khu nhà. Tuy nhiên, sau đó đâu lại vào đấy, ý thức của sinh viên không tốt, không đổ rác đúng giờ, cứ tiện đâu để rác đấy khiến muỗi làm tổ sinh sôi nảy nở. Do sinh viên sống theo kiểu tạm bợ, và không cố định nên không có ý thức tự vệ sinh những nơi xung quanh phòng trọ của mình như nhà dân bình thường”.

Trao đổi với PV, bạn Nguyễn Thị Trinh (trú tại ngõ 23, đường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Mình có biết thông tin có một bạn sinh viên tử vong do sốt xuất huyết, nhưng do thói quen nên mình cũng ít khi mắc màn. Khu của mình ở cũng có nhiều muỗi lắm, nhưng chắc không sao, mọi khi phòng nóng nực mình vẫn ra ngoài hành lang ngồi và muỗi đốt dày chân cũng có sao đâu".

Môi trường sống không được vệ sinh sạch sẽ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết, mà các bệnh khác như bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu cũng có cớ để xâm nhập và phát bệnh.