Vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia, Singapore...

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT đã khẳng định rằng, đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 5 năm 2012-2016 không thể đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. 

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng chính Bộ này đã thừa nhận nguyên nhân cốt lõi là do mục tiêu đặt ra quá lớn so với nguồn tuyển sinh đáp ứng được điều kiện tiếp nhận của các cơ sở đào tạo nước ngoài cũng như khả năng đào tạo của các trường đại học trong nước. Thế nhưng Bộ GD-ĐT lại vừa công bố đề án mới đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí lên tới 12.000 tỷ đồng. Dư luận thực sự kinh ngạc không hiểu vì sao đề án mới này lại đặt ra tham vọng lớn như vậy, trong khi đề án cũ chưa xong?

Hiện, Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ chỉ tuyển được hơn 2.900 ứng viên, mới đạt 29% chỉ tiêu, trong đó cử đi học gần 2.000 người trong năm 2016. Mặc dù Bộ GD-ĐT công bố, đã có hàng nghìn giảng viên được đào tạo thành tiến sĩ trong 5 năm qua, nhưng một chuyên gia tài chính thẳng thắn nhận định không nên chỉ nhìn vào số lượng tuyển sinh hay số tiền ngân sách còn tồn đọng để đánh giá hiệu quả của đề án.

Giới chuyên gia giáo dục cũng như công luận đặt câu hỏi: Hàng nghìn tiến sĩ được đào tạo đã được sử dụng ra sao, đóng góp như thế nào cho nền kinh tế? Bản thân Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ rõ, cả nước hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ. Dẫu vậy, trong 10 năm, các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín thế giới; thua xa so với Thái Lan, Malaysia, chỉ bằng 1/14 so với Singapore.

Đặc biệt đáng lo ngại là sự tụt hậu khiến khoa học, công nghệ Việt Nam nằm trong “vùng trũng” khu vực khi mỗi năm chỉ có 1 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Phải nói rằng, nhiều năm nay, dư luận đã không quá nặng lời khi nói rõ tình trạng đào tạo ào ào tiến sĩ mà không sử dụng, không phát huy rồi các luận án tiến sĩ bảo vệ xong lại xếp xó, sẽ lãng phí tiền của nhân dân, ngân sách Nhà nước, chẳng khác gì “tiến sĩ giấy”.

Đây không có ý “vơ đũa cả nắm”, nhưng hãy nhìn sang nước Mỹ, nhiều trường đại học danh tiếng khắp thế giới mà cũng chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ. Nhìn lại đề án mới của Bộ GD-ĐT sự hoài nghi về chất lượng tiến sĩ là có thật và vấn đề phát huy chất xám của nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu bức thiết! .