Văn hóa mừng tuổi

ANTĐ - Ngày Tết, khách đến chơi nhà, kèm theo những lời chúc mừng năm mới mong các cháu chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời ông bà, cha mẹ. Người lớn thường mừng tuổi cho trẻ để thể hiện tình cảm quý mến trẻ và cũng là một lời nhắc nhở, động viên con trẻ cần cù, siêng năng học tập, rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi. 

Văn hóa mừng tuổi ảnh 1

Từ  mỹ tục…

Đây là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới. Để tiền mừng tuổi có ý nghĩa, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách mua con lợn đất, cho tiền vào đó để giáo dục cho trẻ bài học tiết kiệm sinh động. Chỉ lúc nào có nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, áo quần… mới “mổ” lợn lấy tiền chi dùng, giúp cha mẹ một khoản tiền. Nhiều cháu còn biết dùng tiền mừng tuổi vào công tác từ thiện giàu tính nhân văn, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đang gặp khó khăn do thiên tai, đem đến cho họ chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa.

…Đến hủ tục

Mừng tuổi cho trẻ nhỏ ngày Tết là một mỹ tục, chuyển tải đạo lý truyền thống tốt đẹp nhưng đã bị người lớn lạm dụng, biến nó thành hủ tục. Nhiều ông bố, bà mẹ còn “đầu tư” cho con để con biết cách “vòi” tiền mừng tuổi của khách. Họ cho con mặc bộ đồ thật đẹp, khách tới chúc Tết, các cháu chạy ra, áp sát người, vòng tay cung kính vái chào thật to… rồi đứng chờ. Trước tình thế cực chẳng đã, khách buộc phải mừng tuổi. Rõ ràng cha mẹ đã dùng con cái để kiếm tiền, làm hoen ố tâm hồn con trẻ và mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đừng vì lợi nhỏ mà vô tình, cả cố tình nêu tấm gương phản cảm, để rồi làm hư hỏng chính con cái của mình. Mong các  bậc làm cha mẹ cần nghiêm túc tự điều chỉnh.