Văn bản sai luật - dân khổ...!

(ANTĐ) - Thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp cho thấy, kiểm tra 64 tỉnh, thành, Quảng Ninh có số văn bản phát hiện có vi phạm nhiều nhất, với 979 văn bản vi phạm trên tổng số 50.000 văn bản đã kiểm tra. Đứng thứ 2 là Quảng Ngãi với 898 văn bản có vi phạm, kế đến là Nam Định với 415 văn bản có vi phạm, Tiền Giang: 268, Sơn La: 262. Hà Nội chỉ có 5 văn bản có vi phạm trong tổng số 245 văn bản được kiểm tra. Còn lại, trung bình mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước có vài chục văn bản vi phạm.

Văn bản sai luật - dân khổ...!

(ANTĐ) - Thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp cho thấy, kiểm tra 64 tỉnh, thành, Quảng Ninh có số văn bản phát hiện có vi phạm nhiều nhất, với 979 văn bản vi phạm trên tổng số 50.000 văn bản đã kiểm tra. Đứng thứ 2 là Quảng Ngãi với 898 văn bản có vi phạm, kế đến là Nam Định với 415 văn bản có vi phạm, Tiền Giang: 268, Sơn La: 262. Hà Nội chỉ có 5 văn bản có vi phạm trong tổng số 245 văn bản được kiểm tra. Còn lại, trung bình mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước có vài chục văn bản vi phạm.

Sáng kiến hay tối kiến?

Có lẽ, gây sốc dư luận gần đây nhất là Quyết định 79 của UBND thành phố Hà Nội quy định, từ 1-1-2008, chỉ cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp có “sổ đỏ”. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, người dân chỉ cần 1 trong 11 giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất là được cấp phép xây dựng.

Thậm chí, đất không có giấy tờ nhưng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không có tranh chấp, thì vẫn được cấp phép xây dựng. Sau khi Báo An ninh Thủ đô phát hiện vấn đề này và một số cơ quan báo chí khác cũng vào cuộc, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp đã có Công văn số 168 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét, hủy bỏ Quyết định trên. Hiện nay, UBND Hà Nội đã tạm thời không thực hiện quy định này.

Cũng là dạng văn bản “đụng chạm” đến quyền lợi hợp pháp của người dân, cách đây nửa năm, ngày 18-5-2007, Cục Biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin có Văn bản số 283 gửi tất cả các trường văn hóa nghệ thuật, yêu cầu không cho phép các học sinh, sinh viên biểu diễn nghệ thuật ở các quán bar, vũ trường.

Sau khi An ninh Thủ đô phát hiện vấn đề này và một  số cơ quan báo chí khác cũng vào cuộc, theo ý kiến của Cục KTVBQPPL, đầu tháng 6, Bộ Văn hóa Thông tin đã thu hồi văn bản này, với lý do Cục Biểu diễn nghệ thuật đã vượt thẩm quyền được ban hành văn bản có nội dung quy phạm pháp luật, đồng thời, quy định không phù hợp với lợi ích của các học sinh, sinh viên. Được biết, sau đó, quy định về biểu diễn của học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật đã được điều chỉnh phù hợp hơn.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng “sai luật”. Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục KTVBQPPL cho biết, đây là dạng vi phạm nguy hiểm nhất và cần được quan tâm nhất. Các quy định như trên không khác nào một kiểu “trói chân, trói tay người dân”.

Sẽ làm sạch hóa văn bản luật

Có nhiều lý do được đưa ra cho tình trạng văn bản quy phạm pháp luật như  trình độ người ban hành văn bản kém hoặc vì lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý. Và, thông thường, phía cơ quan quản lý thì muốn làm chặt trong khi, phía người dân, doanh nghiệp lại muốn được tạo nhiều thuận lợi, có cơ chế thủ tục thông thoáng. Tuy nhiên, giải quyết xung đột này mà ban hành văn bản vi phạm lợi ích của dân là không ổn, bởi đây sẽ là mầm mống cho ra đời các thủ tục hành dân.

Người ban hành văn bản sai luật sẽ phải chịu trách nhiệm, trong đó, gồm cả một dây chuyên ban hành như người soạn thảo, người tham mưu, người ký ban hành... Nhưng trên thực tế, hình thức “xử phạt” đa số mới chỉ là “xử lý sản phẩm” bằng việc ra quyết định hủy bỏ, thu hồi văn bản, hoặc khiển trách.

Bộ Tư pháp đã có chương trình “dọn vườn, làm sạch luật” bằng kế hoạch tổng rà soát tất cả các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước, từ năm 1976 đến nay, sẽ trình kết quả tới Chính phủ trước 31-12-2008. Bộ sẽ nhằm tập hợp các văn bản theo lĩnh vực, chuyên đề, theo các cấp, loại bỏ những văn bản lạc hậu, hết hiệu lực, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, xử lý và công bố thành các tổng tập.

Cùng với đó, kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2007-2010 cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt, khi đó, hy vọng rằng, mọi người dân có thể tiếp cận hệ thống luật tốt hơn.

Hoàng Thu